Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại trong thế kỷ XX. Sự kiện này đã mở ra mô hình CNXH hiện thực trên thế giới.
Theo Trung tướng, PGS.TS Phạm Quốc Trung, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị, một trong những giá trị có ý nghĩa trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga và quyết định đến vận mệnh của CNXH đó là thường xuyên giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với đất nước và quân đội.
Cho đến nay, bài học kinh nghiệm đó vẫn đang được chúng ta kế thừa, vận dụng vào quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Diễu hành kỷ niệm 105 năm Cách Mạng Tháng Mười. (Ảnh tư liệu).
- Thưa Trung tướng Phạm Quốc Trung, sự ra đời của mô hình CNXH hiện thực có được coi là một trong những ý nghĩa lớn nhất của Cách mạng Tháng Mười đối với phong trào cộng sản trên toàn thế giới?
Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Có thể khái quát trên mấy điểm cơ bản:
Thứ nhất, cuộc cách mạng này đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sau Cách mạng Tháng Mười, một hình thái kinh tế, xã hội mới đã được xác lập và cục diện thế giới từ đây có sự thay đổi căn bản.
Thứ hai là cuộc Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Cuộc cách mạng này đã vạch ra con đường giải phóng dân tộc, mở ra một chân lý đối với các nước thuộc địa. Đó là muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc thì không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
- Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, vấn đề cấp bách và quan trọng nhất là phải giữ cho được chính quyền cách mạng non trẻ. Để quân đội có thể trung thành với mục tiêu lý tưởng chiến đấu, việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong Quân đội, được Lenin thực hiện như thế nào?
Chỉ hơn 2 tháng sau ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Đảng Cộng sản lúc bấy giờ là Đảng Bolshevik Nga đã thành lập Hồng quân để thực thi quyền lực lãnh đạo, chỉ huy để xây dựng quân đội.
Ngay từ tháng 10/1917, các tổ chức Đảng đã bước đầu được xác lập trong một số đơn vị. Cho đến đầu năm 1918, thì hệ thống tổ chức Đảng, cơ quan chính trị được thiết lập và thực hiện thống nhất trong toàn quân. Cùng với đó, vai trò của các Chính ủy luôn được đề cao. Đó là người đại diện của Đảng Bolshevik trong quân đội.
Lãnh tụ Lenin đã khẳng định, không có Chính ủy thì chúng ta không có Hồng quân. Những đảng viên ưu tú của Đảng Bolshevik lúc bấy giờ được lựa chọn cử làm chính ủy của các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, các hạm đội và công tác ở các cơ quan chính trị. Đồng thời, người chính ủy có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự xuất thân từ công nhân, từ nông dân, từ trí thức để bổ sung cho quân đội Xô Viết.
Trung tướng, PGS.TS Phạm Quốc Trung.
- Dưới ánh sách của Cách mạng Tháng Mười, hàng loạt các dân tộc bị áp bức đã vùng lên đấu tranh, trong đó có Việt Nam, thưa Trung tướng?
Đúng là như vậy, đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, xóa bỏ ách nô lệ dưới chế độ thực dân phong kiến, đánh thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Sau đó tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
- Thưa Trung tướng, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội. Đây chính là vấn đề mang tính nguyên tắc mà chúng ta đúc rút ra được từ những bài học, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười?
Đúng vậy, từ bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga, có một số nguyên tắc cơ bản xuyên suốt lịch sử xây dựng chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta.
Đó là Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta.
Nguyên tắc thứ hai là lấy xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở, để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu toàn diện của quân đội. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong xây dựng quân đội. Nó quyết định đến việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân của quân đội.
Nguyên tắc thứ ba là thường xuyên củng cố, tăng cường công tác đảng, công tác chính trị. Đặc biệt là coi trọng, phát huy sức mạnh của quần chúng, xây dựng và giữ gìn mối đoàn kết quân dân.
Hiện nay như chúng ta thấy Đảng đang lãnh đạo xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, để xứng đáng là vai trò nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Xin cảm ơn Trung tướng!