Sáng sớm những ngày dịch bệnh COVID-19 hoành hành, tôi được chồng chở đến một bệnh viện phụ sản lớn ở Hà Nội để khám thai sau khi thấy cơ thể không ổn, có chất dịch lạ tiết ướt đẫm chiếc quần ngủ. Cả 2 chúng tôi đều hoảng sợ, không hiểu điều gì đang diễn ra khi mà mới cách đó 3 hôm, tại kỳ khám trước đó mọi thông số về thai nhi đều ổn định.
Con đường từ nhà tôi đến bệnh viện chỉ độ 3 cây số, mà sao hôm nay dài lê thê...Tôi thực sự muốn biết ngay kết quả của hiện tượng này là gì? Nó có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Ngày dịch, cổng bệnh viện phụ sản được kiểm soát gắt gao.
Bệnh viện đã cho làm những line riêng cho bệnh nhân và người nhà đi vào. Nhân viên bệnh viện trong những bộ đồ bảo hộ y tế kín mít yêu cầu từng người phải sát khuẩn, từ cơ thể đến đồ dùng mang vào, rồi yêu cầu đội kính che toàn khuôn mặt.
Chúng tôi phải bước vào một khu phòng được trang bị máy đo nhiệt độ toàn thân, rồi bắt buộc phải ngồi kê khai y tế, xem có từng đến ổ dịch nào thời gian vừa qua không, có triệu chứng ho sốt, khó thở gì không. Một người kèm một, không ai đi hơn, nhà nào đi quá số người thì ở ngoài cổng đợi, không ngoại lệ.
Không khí ở bệnh viện phụ sản hôm nay căng thẳng như thời chiến...Tôi chỉ muốn kết thúc nhanh buổi khám để thoát khỏi không khí này, càng nhanh càng tốt.
Với những người phụ nữ mang thai, khung cảnh bệnh viện phụ sản thì đã quá quen thuộc, nhưng với những ông chồng, hình ảnh mấy bà cô lệ khệ bụng bầu, mặt mày nhăn nhó đi qua đi lại trong phòng cấp cứu khiến họ không tự tin cho lắm, nỗi lo hằn lên khuôn mặt ủ rũ...
Tôi được đưa vào khám cấp cứu, xác định ban đầu là thai bị rỉ ối và được yêu cầu nhập viện theo dõi. Đây là khái niệm lần đầu tôi nghe thấy, dù trước đó tôi đã sinh một bé trai, cũng có đọc qua sách vở về sức khỏe sinh sản. Tôi vội lấy ngay chiếc điện thoại, tra google về hiện tượng này.
Có hàng ngàn kết quả về rò ối. Đọc lướt qua tôi cũng hiểu, việc này là phức tạp, nguy hiểm tới thai nhi. Tuy nhiên, theo chỉ dẫn việc này cũng có thể xử lý được bằng việc bổ sung nước ối và truyền thuốc, nhưng phải nằm viện khá lâu. Còn trường hợp, nước ối đã cạn thì cực kỳ khó khăn...
Tôi nhập viện với tâm trạng buồn bã, khóc nấc mấy lần, khiến ông xã phải an ủi: "Anh sẽ gọi cho bác sĩ đầu ngành sản khoa nhờ giúp đỡ!"
Được anh quan tầm phần nào tôi cũng đỡ lo. 30 phút sau, tôi được y tá đưa trở lại phòng siêu âm. Lần này, đích thân vị bác sĩ sản khoa nổi tiếng siêu âm cho tôi. Cũng như lần siêu âm của vị bác sĩ trước, tôi cũng nhận được câu trả lời, nước ối đã cạn, thai nhi mới 17 tuần, còn nhỏ xíu...
"Thôi cứ nằm viện theo dõi thêm xem thế nào rồi quyết định nhé", vị bác sĩ nói xong rồi rời khỏi phòng siêu âm.
Tôi trở lại phòng bệnh mà tâm trạng rối bời, hoang mang, lo lắng. Do phải nhập viện đột ngột nên chưa chuẩn bị gì, ông xã nhà tôi phải quay về nhà chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết. Chồng tôi vẫn trong ngày làm nên loay hoay gọi người nhà lên giúp đỡ.
Bà nội thì phải trông thằng cu từ đầu dịch đến giờ đã gần 3 tháng trong nhà, bà ngoại thì nhà có việc chưa lên ngay được. Mọi sự càng rối như tơ...Ông xã quyết định xin nghỉ để trông tôi nằm viện và tự tin "sẽ chiến đấu đến cùng".
Thế nhưng sau cuộc trao đổi của chồng tôi với vị bác sĩ nổi tiếng, giọng anh đã thay đổi hẳn. Tôi cảm nhận thấy sự âu lo của anh trong từng lời nói. Anh dẫn lời bác sĩ và gửi cho tôi nghe đoạn ghi âm điện thoại trao đổi.
"Nước ối đã cạn, thai nhi nhỏ quá, khó vô cùng tận, vô cùng tận em ạ", tôi chỉ nghe được mang máng câu này của vị bác sĩ rồi chìm trong thất vọng, hoang mang.
Vậy là sao? Tôi còn hy vọng không? Tôi phải hiểu câu nói "khó vô cùng tận" của vị bác sĩ kia là như thế nào đây? Sao bác sĩ không đưa ra luôn quyết định cho chúng tôi để tôi có thể buộc phải chấp nhận, phải chịu đau đớn để đình chỉ thai, chứ không phải mang tâm trạng dày vò thế này.
Xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên để tôi có thể quyết định!