Quyết định số 1595/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình ký ban hành nêu rõ: Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, từ ngày 7/9 đến sáng 10/9, trên địa bàn toàn tỉnh mưa to đến rất to trên diện rộng, khiến tình hình sạt lở đất và ngập lụt diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi, khu dân cư.
Bắc Kạn chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3.
Thiên tai làm 4 người bị thương, hơn 2.300 nhà ở bị hư hỏng (trong đó có 620 nhà phải di dời do sạt lở đất, ngập lụt, 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn). Đến ngày 17/9 vẫn còn 215 nhà tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn vẫn đang ngập nước; hơn 2.000ha cây trồng bị thiệt hại.
Các tuyến giao thông bị sạt lở nghiêm trọng với gần 650 vị trí, 90 công trình thủy lợi, nhiều nhà văn hóa, trụ sở y tế, giáo dục và công trình hạ tầng khác bị hư hỏng; nhiều tài sản của nhân dân bị vùi lấp, ngập lụt, nhiều khu vực dân cư bị sạt trượt hoặc có nguy cơ sạt trượt cao... với ước tính thiệt hại sơ bộ hơn 860 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các ngành chức năng triển khai các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra như: Huy động lực lượng, phương tiện, nguồn lực để chủ động nhanh chóng sơ tán, di dời Nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí chỗ ở và đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán, tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân vùng bị thiệt hại.
Hơn 2.300 ngôi nhà tại Bắc Kạn ảnh hưởng do mưa bão
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu tổ chức tiếp nhận và cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu, cung cấp nước sạch, xử lý các vấn đề về môi trường nhằm ổn định đời sống nhân dân; tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực thường xảy ra lũ quét, khu vực ngập nước ven sông, suối, vùng trũng thấp, vị trí sườn đồi dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để xây dựng phương án chủ động sơ tán người, tài sản và xem xét có giải pháp xử lý khẩn cấp bước đầu đảm bảo an toàn.
Các ngành chức năng cần huy động mọi nguồn lực để xử lý khẩn cấp bước đầu đối với các khu dân cư bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, sự cố công trình phòng, chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai theo quy định; chủ động đảm bảo giao thông thông suốt, cảnh báo và thông báo kịp thời không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Tập trung khắc phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ
Do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 3, tỉnh Bắc Kạn có hơn 2.200ha cây trồng bị ngập úng và nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi... Đây là thiệt hại rất lớn đối với một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, tổng diện tích cây trồng vụ mùa chưa đến 24.000ha. Do đó, việc khắc phục sản xuất nông nghiệp cũng được chính quyền, người dân tập trung triển khai ngay khi lũ rút.
Người dân thăm, kiểm tra đồng lúa ngay khi mưa lũ xảy ra
Đợt mưa bão vừa qua, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới có khoảng 75ha diện tích ngô, lúa ven sông, suối bị thiệt hại và khoảng 100ha rừng trồng bị ảnh hưởng. Xã nằm ở vùng hạ lưu sông Cầu qua tỉnh Bắc Kạn nên nhiều khu vực nước ngập đến 2 ngày mới rút hết.
Ngay khi nước rút khỏi các chân ruộng, người dân đã chủ động khơi dòng để nước thoát nhanh hơn và dựng lại những cây bị rạp đổ và bùn vùi lấp. Hệ thống kênh mương cũng được nạo vét lại ngay để có nước thau rửa bùn đất. Một số diện tích rừng trồng 2-3 năm tuổi ở xã bị đổ do gió mạnh cũng được các gia đình hỗ trợ nhau để dựng lại...
Chị Dương Thị Mát (xã Quảng Chu) cho biết: “Khu nhà tôi lúa coi như hỏng hết, ngập 2 ngày nên bông đen lại rồi, còn ngô mới trồng lũ cũng đẩy hết cả đất lên, coi như mất trắng. Còn cây rừng cũng đổ 50-60%, giờ để thì không bõ mà trồng lại thì mất công sức 2-3 năm vừa rồi. Bà con cũng đều mong Nhà nước hỗ trợ được phần nào để bớt vất vả đi”.
Hơn 2.200ha cây trồng tại Bắc Kạn bị ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3.
Hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn khiến hơn 2.200 ha ngô, lúa của Bắc Kạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có hơn 1.000ha lúa, hơn 700ha ngô, hoa màu và khoảng 250ha cây lâm nghiệp. Do đặc thù lũ ở vùng cao lên nhanh, xuống nhanh nên ngay khi lũ rút, chính quyền các địa phương đã yêu cầu người dân kiểm tra đồng ruộng để có thể khắc phục ngay. Với các diện tích lúa mùa bị ngập úng, phải khơi được dòng chảy sớm nhất, dọn được bùn, rác và chú ý xử lý ốc bươu vàng cũng như các loại sâu hại khác.
Ông Nguyễn Vũ Mão, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi nhắc nhở người dân, với diện tích ngô, lúa có thể phục hồi cần khẩn trương sục bùn, làm cỏ và có thể bón phân qua lá để kích thích phục hồi. Còn diện tích không thể phục hồi cần chuẩn bị sẵn đất, trồng các loại rau màu ngắn ngày, vì khí hậu ở đây phù hợp các loại rau, nhằm kịp cung ứng thị trường, bù đắp lại thiệt hại cho mưa lũ gây ra”.
Cán bộ Sở NN&PTNT Bắc Kạn kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh cũng như thiệt hại sau bão số 3.
Sở NN&PTNT Bắc Kạn đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn tập trung toàn bộ nhân lực, cán bộ kỹ thuật xuống từng địa phương, đánh giá tình hình từng khu vực, phân loại thiệt hại theo các mức độ để có giải pháp khắc phục phù hợp; dự báo các loại sâu bệnh có thể phát sinh sau lũ để tránh lây lan diện rộng, nhất là các loại như ốc bươu, sâu đục thân, sâu cuốn lá hay dịch trên đàn gia súc.
Với các diện tích không thể phục hồi, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân chủ động làm đất và đề xuất các loại cây trồng thay thế để kịp thời vụ. Yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, lên kế hoạch cụ thể để ngành nông nghiệp cũng như các đơn vị chuẩn bị các loại vât tư cần thiết như giống, phân bón, thuốc trừ sâu..., kiên quyết không để người dân thiếu vật tư, cây con giống cũng như không để xảy ra tăng giá bất thường.
Người dân khẩn trương dọn dẹp đồng ruộng, vườn tược.
Ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết thêm, bên cạnh phục hồi nông, lâm nghiệp, công tác vệ sinh môi trường, phục hồi chăn nuôi, phòng tránh dịch trên đàn gia súc cũng đang được địa phương chú ý đặc biệt, nhất là Bắc Kạn vừa qua đợt dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng nề.
“Ngành Nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện tổng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng ngay khi lũ rút để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường; chăm sóc, nâng cao đề kháng cho đàn vật nuôi như bổ sung thức ăn, dinh dưỡng phù hợp từng đối tượng nuôi; đồng thời rà soát tiêm vaccine đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm nhất là nơi mới xảy ra dịch bệnh…”, ông Diệp nói.
Theo phương án khắc phục sản xuất được Bắc Kạn đưa ra, đối với diện tích cây trồng vụ mùa không có khả năng khôi phục cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, theo phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt.
Các diện tích đang trồng ngô được khuyến khích tiếp tục trồng ngô chăn nuôi hoặc ngô ngọt với thời vụ gieo trồng trước ngày 30/9. Các diện tích lúa, cây rau màu có thể chuyển qua các lại như cây Khoai lang, Lạc lai, đậu đũa, ớt chỉ địa với thời gian xong trước 10/10 hoặc cây khoai tây thời gian trồng có thể kéo dài đến tháng 11/2024.