Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác đơn ân xá, vẫn ngời tính nhân văn – Bài học lớn về phòng, chống tham nhũng

(VTC News) -

Câu chuyện với PGS.TS Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - về vấn đề hết sức thời sự, tuy nhiên, nó lại khởi đầu từ câu chuyện cũ.

- Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin giảm tội tử hình đối với Đại tá, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu Trần Dụ Châu. PGS.TS có thể bình luận gì về sự kiện này?

Sự kiện ông Trần Dụ Châu - nguyên Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu (tiền thân của Tổng cục Cung cấp, nay là Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam) bị Toà án binh kết tội tử hình bởi tội tham ô tài sản của Quân đội, của Nhà nước.

Khi Tòa án binh kết án, ông Trần Dụ Châu đã làm đơn lên Chủ tịch nước để xin được ân xá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy nghĩ rất nhiều về việc này.

Chuyện kể rằng, khi Bác Hồ làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh lúc đó đang giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp để xét lá đơn của tử tù Người đã chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?

“- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa.

- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?

- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi”

Bác gật đầu, nói: “Chú nói đúng, bây giờ muốn cứu cây và rộng hơn là cứu cả rừng cây thì phải giết sâu mọt”.

Báo Cứu quốc đưa tin Trần Dụ Châu ra Tòa án binh tối cao (Nguồn: Internet)

Qua câu chuyện, trước hết thấy rõ thái độ thẳng thắn của Bác Hồ đối với sai lầm, khuyết điểm. Khi có cá nhân vi phạm pháp luật thì Người kiên quyết phải xử lý nghiêm minh.

Thứ hai, sự việc thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Người đứng đầu luôn nêu cao quyết tâm phòng, chống tham nhũng, không nể nang, không bao che. Nhờ vậy công tác phòng, chống tham nhũng mới đạt được hiệu quả. Nếu còn có nể nang, còn có bao che, còn có vùng cấm thì công tác phòng, chống tham nhũng không đạt hiệu quả.

Thứ ba, thể hiện thái độ nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đơn ân xá của tử tù nhưng lại là sự nhân văn. Ông Trần Dụ Châu phạm tội nặng ở mức không thể ân xá được nữa, nhưng việc xử tử mang ý nghĩa cảnh báo, răn đe, giáo dục đối với những cán bộ, đảng viên khác để họ biết được rằng pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Đảng là rất nghiêm minh. Bác đã nói “Kỷ luật Đảng là kỷ luật sắt”, tất cả cán bộ, đảng viên đều phải chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

 

- Cũng qua sự kiện này và các bài nói, việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS có thể khái quát những nét lớn trong quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Người trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc xử lý không khoan nhượng ngay cả với những cán bộ cấp cao?

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tham ô tham nhũng giống như một loại giặc, nó là “giặc nội xâm”. Loại giặc này rất khó để xử lý bởi nó trong nội bộ. Không phải dễ dàng chúng ta có những người cán bộ nên khi loại bỏ đi rất là đau đớn. Nhưng đó là việc cần thiết, cần phải làm để giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững niềm tin yêu, cảm phục của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bác cũng chỉ ra rằng tội tham ô tham nhũng không khác gì tội “mật thám, Việt gian”, cho nên cần rất phải chú ý nhận diện và kiên quyết phòng chống tham nhũng.

Bác chỉ ra nhiều biện pháp để phòng chống tham ô, tham nhũng nhưng tôi xin khái quát một số điểm như sau:

- Một, Người cho rằng về phía tổ chức Đảng và chính quyền phải làm nghiêm công tác giáo dục về mặt nhận thức, giáo dục chính trị, giáo dục liêm chính đội ngũ cán bộ đảng viên, cán bộ công chức của mình. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, muốn giáo dục được thì người đứng đầu phải nêu gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng “nói đi đôi với làm”, cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Trong cuộc đời của Người có biết bao câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm, tự mình làm trước.

Điển hình đó là khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời đã phải đương đầu với những thử thách gay gắt, mà khi đó Bác Hồ gọi là “Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.

Giặc dốt, giặc ngoại xâm thì phải chiến đấu trường kỳ nhưng đối với giặc đói thì phải chống ngay. Để giải quyết nạn đói, Người đề nghị toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, và Người mẫu mực thực hiện trước.

“Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” - Hồ Chủ tịch kêu gọi.

Nói đi đôi với làm, Bác đã thực hiện rất nghiêm túc, mặc dù lúc này sức khỏe Người giảm sút do trải qua trận ốm nặng. Các đồng chí từng phục vụ bên Người kể lại, một lần tướng Tiêu Văn của Quân đội Tưởng Giới Thạch mời Người dự chiêu đãi. Hôm đó, đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói, mọi người rất mừng vì nếu Bác không phải nhịn ăn nữa thì sức khỏe sẽ được cải thiện.

Mặc dù các đồng chí phục vụ báo cáo rằng phần gạo của Người hôm được mời tiệc chiêu đãi đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi, nhưng Bác vẫn quyết định “nhịn ăn một bữa” vào ngày hôm sau.

- Hai, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ để những người có chức quyền, có khả năng, tiếng nói quyết định liên quan đến vấn đề về mặt lợi ích thì phải thực hiện đúng theo kỷ luật của Đảng, đúng theo pháp luật của Nhà nước. Nếu cán bộ, đảng viên không thấy có sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt thì họ rất dễ vi phạm; ngược lại nếu có sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt thì họ sẽ cảnh tỉnh, tránh làm những việc vi phạm.

- Ba, phải xử lý nghiêm minh. Bác Hồ rất chú trọng đến vai trò của giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật. Nhưng người cũng chỉ ra rằng, đối với những trường hợp vi phạm thì phải xử lý một cách rất nghiêm minh. Xử lý nghiêm minh không chỉ ở khía cạnh đơn thuần mà còn mang ý nghĩa nhân văn, chính là để giáo dục, cảnh tỉnh, để những người khác thấy đó mà làm bài học, tránh vi phạm.

- Những năm gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng đã kiên quyết trong việc xử lý tham nhũng trong nhiều lĩnh vực - kể cả đối với các ngành Quân đội, Công an, Ngoại giao…, với những cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị. Xin ông phân tích về việc quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng chống tham nhũng, xử lý những người tham nhũng của Đảng ta trong tình hình hiện nay?

Chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng cán bộ, đảng viên của chúng ta cơ bản là tốt. Bởi chỉ khi có hàng ngũ cán bộ, đảng viên tốt thì đất nước mới có được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm đổi mới.

Nhưng bên cạnh đó thì vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh", họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén cho cá nhân chứ không lo cho ích lợi chung của đồng bào, của đất nước. Họ không thực hiện đúng theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng và không đúng theo cam kết, lời tuyên thệ của một người đảng viên.

Quay trở lại vấn đề Bác Hồ đã chỉ ra là “con sâu, con mọt” thì cần phải được loại bỏ khỏi “cơ thể” của Đảng để Đảng thật sự được trong sạch, khỏe mạnh, nhờ vậy mà giữ được uy tín của Đảng, giữ được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Những năm vừa qua, nhân dân và các cán bộ, đảng viên rất vui mừng, phấn khởi và cũng tăng thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước khi chứng kiến những chủ trương, biện pháp xử lý rất kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Đây là những biện pháp rất nghiêm minh thể hiện thái độ rất kiên quyết của người đứng đầu Đảng ta đối với tham ô, tham nhũng và các căn bệnh tiêu cực khác.

Ông Đinh La Thăng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - tại TAND TP. Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước để có một thái độ không khoan nhượng đối với tham ô, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Điều này thể hiện rõ khi trong công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, kể cả những người ở cương vị cao, thậm chí trong Bộ Chính trị nếu vi phạm thì cũng sẽ bị kỷ luật một cách nghiêm minh.

Chính điều này lại thấy rõ sự thống nhất, tiếp thu, vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng.

 

- Trong tình hình hiện nay mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như thế nào để cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư ngày càng được thực hiện tốt, các tổ chức Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu?

Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.

Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm, được coi là cá tiến vua, thường chỉ có ở khúc sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ).

Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo: “Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức”.

Đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá anh vũ. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay ý rằng anh em thấy Bác khen cá ngon nên mới đưa cá lên tiếp. Bác tỏ ý không hài lòng và nói: “Bác có phải là vua đâu mà ăn loại cá dùng để tiến vua”.

Rồi Người kiên quyết bảo mang đi. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đổi bằng sự mệt nhọc, khổ ải của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tập trung cho bài viết lý luận, có thể coi là bài viết lý luận cuối cùng của Người cho công tác xây dựng Đảng, đó chính là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969).

Trong bài viết đó, Bác Hồ đã nêu rất rõ những biện pháp, cách thức để tăng cường kỷ luật của Đảng, tăng cường sự liêm chính của đội ngũ cán bộ đảng viên, nâng cao được đạo đức cách mạng. Người đề cập trên hai phương diện:

Một, đối với tổ chức Đảng:

Người chỉ ra rằng, tổ chức Đảng phải giáo dục cán bộ, đảng viên của mình cả về trình độ chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức để giúp những cán bộ, đảng viên đó giống như đã được uống thuốc để tăng sức đề kháng. Nhờ vậy mà nhận diện được những gì việc được phép làm, những việc gì không được phép làm.

Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng như tự phê bình và phê bình, tập trung dân chủ, kỷ luật nghiêm minh tự giác, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân,…

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bác đã nói rằng: “Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như là không lãnh đạo”. Công tác lãnh đạo là vô cùng quan trọng, một trong những nội dung thể hiện công tác lãnh đạo là kiểm tra, giám sát. Nếu như không kiểm tra, giám sát tức là buông lỏng, dễ nảy sinh vi phạm khuyết điểm, nảy sinh trường hợp phạm tội.

Vai trò của tổ chức là thực hiện nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm, kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước phải được thực hiện nghiêm minh.

Hai, đối với mỗi cán bộ, đảng viên:

Bác nói: “Mỗi một cán bộ, đảng viên trước hết phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, tự nâng cao ý thức, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Phải tự giáo dục mình, tự nhắc nhở mình”.

Điều quan trọng nhất là luôn luôn phải biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Dự những buổi sinh hoạt Đảng, dự những đợt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì phải biến thành hoạt động tự giác của mình.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tham gia các hoạt động thực tiễn. Bác Hồ cho rằng môi trường hoạt động thực tiễn là môi trường giáo dục rất quan trọng đối với mỗi người cán bộ, đảng viên.

Phải thông qua hoạt động thực tiễn thì mới biết được cán bộ, đảng viên có thực sự trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng hay không, có thực sự có năng lực hay không, có thực sự có tư cách đạo đức hay không. Chính thông qua hoạt động thực tiễn như vậy thì không ngừng rèn luyện để hoàn thiện bản thân cả về mặt phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị và cả về chuyên môn.

Một trang bản thảo bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (Ảnh: Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước)

- Theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần có thêm giải pháp nào để tiếp tục thực hiện sáng tạo những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để các chủ trương của Đảng được vận dụng một cách sáng tạo, pháp luật của Nhà nước được thượng tôn?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải trở thành những tấm gương có sức cảm hóa, phải luôn yêu thương con người, yêu thương đồng bào, đồng chí mình; phải bao dung, độ lượng, kể cả đối với những người trót lầm đường lạc lối nhằm đánh thức lương tri, đánh thức phần thiện trong con người của họ. Chỉ như thế mới thu phục được quần chúng, dẫn dắt quần chúng, cùng đồng chí mình vượt qua khó khăn và thách thức.

Trong một lần đi qua suối, gần đến bờ, chợt Bác trượt chân suýt ngã. Thấy Bác đã đứng vững, anh em mới yên tâm. Bác vẫn chưa đi. Người cúi xuống xem lại chỗ vừa trượt chân và nói: “Hòn đá đã tròn lại có nhiều rêu trơn, hơn nữa chỗ này sắp đến bờ, thường dễ sinh ra chủ quan, nên rất có thể bị ngã”.

Nói xong, Bác cúi xuống vừa vứt hòn đá ấy đi nơi khác và bảo: “Phải tránh cho người đi sau khỏi ngã”.

Một lần khác, Bác cùng các chiến sĩ lại lội qua suối. Ở đây có những hòn đá to nhô lên trên mặt nước, chỉ việc bước từ hòn đá này sang hòn đá kia mà đi một cách dễ dàng.

Khi Bác qua hết suối, một chiến sĩ đi sau chợt sảy chân bị ngã. Thấy vậy, Bác dừng lại bên bờ đợi, đồng chí chiến sĩ đi tới, Bác hỏi:

“- Chú ngã có đau không?

- Dạ không sao ạ!

- Thế chú có biết tại sao bị ngã không?

- Tại hòn đá bị kênh ạ!

- Cần phải kê lại để người khác qua suối không còn bị ngã nữa”

Vâng lời Bác, đồng chí chiến sĩ vội quay lui kê lại hòn đá.

Vừa đi Bác vừa dặn: “Khi ngã cần phải xem tại sao mình bị ngã, để lần sau mà tránh. Cái gì đã làm cho mình ngã thì phải vứt bỏ nó đi để tránh cho người sau”.

Qua câu chuyện thấy được rằng, Bác Hồ không nghĩ cho bản thân mình mà nghĩ rộng hơn là cho mọi người, không muốn để cho mọi người bị vấp ngã. Bác luôn mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người, cho cộng đồng, cho xã hội.

Đây là đức tính rất cần của mỗi người cán bộ, đảng viên. Khi cán bộ, đảng viên có quan điểm sống, cách nhìn nhận vấn đề tiến bộ, tốt đẹp, nhân văn như vậy thì chắc chắn người ta sẽ không còn vướng phải những thói hư, tật xấu như tham ô, lãng phí nữa.

Vì vậy để tiếp tục thực hiện sáng tạo những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để các chủ trương của Đảng được vận dụng một cách sáng tạo, pháp luật của Nhà nước được thượng tôn, theo tôi, trước tiên chúng ta cần đặc biệt tập trung giáo dục liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Việc giáo dục liêm chính không phải là chuyện một sớm một chiều, không phải là chuyện “biết rồi - khổ lắm - nói mãi” mà phải là thường xuyên, liên tục để trình độ giác ngộ của mỗi cán bộ, đảng viên được hình thành.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch đối với các công việc liên quan đến lợi ích để không bị lợi dụng. Ai cũng biết rồi thì không thể làm méo mó đi. Nếu ai làm méo mó thì cũng dễ bị nhận diện.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đây là công việc cực kỳ quan trọng. Rõ ràng thời gian vừa qua công tác kiểm tra, giám sát giúp chúng ta phát hiện, nhận diện hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Đồng thời cũng có tác dụng răn đe, cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên khác.

Cuối cùng là phải thực hiện xử lý kỷ luật nghiêm minh. Vừa để xử lý những cán bộ vi phạm đồng thời để cảnh báo những trường hợp chưa phạm tội để họ biết rằng kỷ luật rất nặng và họ phải đặt lên bàn cân tính toán xem có nên đánh đổi lợi ích nhỏ để nhận về hậu quả hay không.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Lý Việt Quang!

Anh Văn (Thiết kế: HÀ LONG)

Tin mới