Theo Russia Beyond, trong năm 2022, Nga sẽ đưa vào biên chế hàng loạt vũ khí mới nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu tổng thể của quân đội nước này nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh tiềm tàng, phần lớn là đến từ việc NATO không ngừng mở rộng ảnh hưởng về phía đông.
Trước đó, vào năm 2018, Bộ Quốc phòng Nga đã ký một hợp đồng mua sắm vũ khí dài hạn trị giá lên đến 300 tỷ USD với các nhà thầu quốc phòng của nước này nhằm thúc đẩy việc phát triển và đưa vào trang bị các thế hệ vũ khí công nghệ cao, trong giai đoạn 2018 - 2027. Theo đó, mỗi năm, quân đội Nga sẽ tiếp nhận số lượng lớn máy bay, xe tăng, tàu chiến và tàu ngầm mới.
Và dưới đây là danh sách vũ khí mới quân đội Nga sẽ đưa vào trang bị trong năm 2022:
Mua thêm MiG-31K
Trước hết, quân đội Nga sẽ tiếp nhận thêm các tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31K cải tiến cho phép triển khai tên lửa siêu thanh Kh-47M2 'Kinzhal', cho phép không quân Nga có thể nhiều sự lựa chọn để đáp trả hành động gây hấn từ NATO.
Trung tướng Andrey Yudin, Tổng tư lệnh Lực lượng không quân Nga cũng từng nhắc đến việc đưa vào trang bị thêm MiG-31K trong một cuộc họp vào cuối tháng 11 vừa qua.
Tiêm kích đánh chặn MiG-31K với tên lửa siêu thanh Kinzhal dưới thân. (Ảnh: RT)
Theo Ivan Konovalov, giám đốc Quỹ hỗ trợ công nghệ thế kỷ 21 cho biết, MiG-31 không phải là chiến đấu cơ mới trong biên chế không quân Nga nhưng nó vẫn được lựa chọn để triển khai các loại vũ khí tấn công tiên tiến như Kinzhal. Điều này xuất phát từ việc MiG-31 có thể cất cánh nhanh hơn các dòng chiến đấu cơ khác và có trần bay cao hơn hẳn (lên đến 25.000m)
Konovalov cho rằng ở trần bay trung bình 25.000m, MiG-31 có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên không từ khoảng cách lên đến 2.000km với tên lửa Kinzhal.
“Đặc điểm chính của tên lửa này là tốc độ và khoảng cách mà nó lao đến mục tiêu. Không có hệ thống phòng không hiện đại nào của nước ngoài lẫn cả Nga có thể đánh chặn các mối đe dọa từng khoảng cách 2.000km”, Konovalov nhận định.
Theo ông Konovalov, Kinzhal có thể tăng tốc Mach 10 (khoảng 12.240 km/h) và gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện tại.
“Để một tên lửa phòng không có thể bắn hạ một mục tiêu bay trên bầu trời thì điều đầu tiên nó phải bay nhanh hơn mục tiêu và có thể thực hiện đánh chặn được mối đe dọa dựa trên quỹ đạo bay của nó. Nhưng về tổng thể không có tên lửa nào có thể bắt kịp tốc độ của Kinzhal”, Konovalov phân tích.
Phải nói thêm rằng Kinzhal không phải là mẫu tên lửa siêu thanh duy nhất được quân đội Nga đưa vào trang bị vào năm 2022.
Tên lửa siêu thanh Zircon
Trong năm 2021, quân đội Nga đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm thành công với tên lửa siêu thanh 3M22 “Zircon” trên các tàu chiến mặt nước và cả tàu ngầm, với kết quả hiện tại Moskva có thể sẽ sớm thúc đẩy việc đưa vào trang bị Zircon vào năm 2022.
“Các cuộc thử nghiệm Zircon thành công đến mức Bộ Quốc phòng đã đặt hàng số lượng đáng kể tên lửa này cho các tàu chiến của hải quân Nga. Nhiều khả năng, ngay đầu năm 2022, một số tàu chiến Nga sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh này, trong khi quy trình trang bị cho tàu ngầm lại cần thêm thời gian để chuẩn bị”, Dzmitry Litovkin, tổng biên tập của tờ tạp chí “Quân sự độc lập' cho biết.
Khinh hạm Đô đốc Gorshkov phóng thử nghiệm tên lửa Zircon trên biển Barents vào giữa năm nay. (Ảnh: RT)
Litovkin nhấn mạnh rằng các thế hệ tên lửa siêu thanh mới của Nga sẽ mang đến cho Moskva khả năng răn đe chưa từng có kể từ sau khi vũ khí hạt nhân xuất hiện.
Tên lửa Zircon có thể bay tới mục tiêu với tốc độ Mach 8 (tương đương 9.800km/h) và hoàn toàn không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện đại trong ít nhất 10 năm tới. Mục tiêu ban đầu của Nga khi phát triển Zircon chính là để đối phó với nhóm tàu sân bay của Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại Nga gần như là quốc gia đứng đầu trong việc phát triển vũ khí siêu thanh trên thế giới với số hệ thống mới được đưa vào trang bị đều tăng theo từng năm.
“Hiện tại, không có quốc gia nào trên thế giới sở hữu các dòng tên lửa như Zircon và Dagger. Lý do rất đơn giản họ chỉ bắt đầu tích cực đầu tư vào phát triển công nghệ siêu thanh khi Tổng thổng Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố việc Moskva đã sở hữu loại vũ khí này (2018)”, Konovalov nói.
Konovalov lưu ý rằng mặc dù ngân sách gần như không giới hạn (Năm 2022, Mỹ có kế hoạch chi khoảng 800 tỷ USD cho phát triển quân sự và vũ khí mới), các nước phương Tây vẫn phải mất nhiều năm để tạo ra tên lửa siêu thanh.
Xe tăng T-14 Armata
Sau nhiều trắc trở xung quanh vấn đề công nghệ, cuối cùng vào tháng 11/2021, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt bút ký hợp đồng mua 132 xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 “Armata”.
T-14 Armata được coi là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ tư duy nhất trên thế giới. Nó có thiết kế được xem là đi trước thời đại và vượt trội hơn hẳn các mẫu xe tăn của phương Tây về tính năng chiến đấu.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata. (Ảnh: RT)
“Nó chứa đầy những tính năng mà không loại xe tăng nào khác có được. Ví dụ, nó là xe tăng duy nhất có tháp pháo không người lái và hệ thống điều khiển hỏa lực tự động. Đây là loại xe tăng duy nhất được trang bị 'hệ thống quản lý liên kết chiến thuật' có thể điều phối máy bay không người lái trên bầu trời hoặc gửi dữ liệu và thông tin tình báo tới các đơn vị pháo binh và hệ thống phòng không trên chiến trường”, Konovalov giải thích.
T-14 cũng có thể gọi là "xe tăng tàng hình" đầu tiên khi nó có khả năng làm giảm đáng kể ngụy cơ bị phát hiện trong các quang phổ hồng ngoại, từ trường và vô tuyến.
Hệ thống phòng vệ đa lớp cũng được xem là điểm mạnh của T-14, khi nó được tích hợp sẵn hệ thống phòng vệ chủ động 'Afganit' với khả năng đánh chặn hầu hết các dòng tên lửa chống tăng, ngoài ra lớp giáp chính cũng có thể bảo vệ xe khi hệ thống đánh chặn bị vô hiệu hóa.
“T-14 có rất nhiều tính năng mà không loại xe tăng nào có được. Hiện tại, các phương tiện chiến đấu bọc thép tương tự vẫn đang được các công ty phương Tây nghiên cứu phát triển chứ chưa có bất cứ nguyên mẫu nào”, Konovalov kết luận.