Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sự lựa chọn nào cho Mỹ trong căng thẳng Nga - NATO?

(VTC News) -

Căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang, đồng thời đặt Mỹ vào thế khó trong bối cảnh Washington đang muốn làm dịu lại quan hệ với Moskva.

Hồi tháng 10, Moskva đình chỉ mọi quan hệ trực tiếp với NATO, đóng cửa các văn phòng của khối này ở thủ đô của Nga, đáp trả việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở chính ở Brussels. Nga cho thấy dường như họ đã hết kiên nhẫn. 

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, các kênh song phương đã được khối này sử dụng để "tăng cường tuyên truyền và gây áp lực lên Nga" thay vì đối thoại có ý nghĩa.

Căng thẳng âm ỉ leo thang sau đó khi Mỹ, NATO tố Nga điều khoảng 100.000 quân tới biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực vào quốc gia láng giềng. Washington và các đồng minh cảnh báo áp đặt biện pháp trừng phạt chưa từng có nếu Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ảnh vệ tinh cho thấy Nga điều động nhiều khí tài tới gần biên giới Ukraine. (Ảnh: MAXAR)

Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ. 

Trong cuộc họp báo tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga muốn tránh xung đột với Ukraine và phương Tây nhưng NATO lại “lừa dối” với chiến dịch mở rộng ảnh hưởng. 

Thông điệp mà ông chủ điện Kremlin gửi đi cũng rất rõ ràng: Moskva không có ý định châm ngòi xung đột với Kiev hay NATO các hành động của nước này chỉ là để đảm bảo an ninh cho chính mình. Thứ Nga cần là sự cam kết của phương Tây, đi kèm lời hứa không tiến hành các hoạt động quân sự của NATO ở Đông Âu.

“Chúng tôi chỉ nêu trực diện vấn đề NATO không được tiến về phía đông nữa. Bóng đang trên sân của họ, họ cần trả lời chúng tôi”, ông Putin khẳng định. 

Trong tuyên bố mới nhất, nhà lãnh đạo Nga tiếp tục khẳng định nước này sẽ cân nhắc các lựa chọn nếu NATO từ chối yêu cầu đảm bảo an ninh. 

“Phản ứng của chúng tôi có thể rất khác. Điều đó phụ thuộc vào đề xuất từ ​​các chuyên gia quân sự của chúng tôi”, Tổng thống Vladimir Putin nói hôm 26/12. 

Một ngày sau đó, Moskva tiếp tục cáo buộc Nga NATO sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện, quy mô lớn, cường độ cao với Nga. 

“Sự phát triển quân sự của khối đã được chuyển hướng hoàn toàn để chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn, cường độ cao với Nga", Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin khẳng định. 

Thế khó của Mỹ

Hàng loạt các màn đáp trả, lời qua tiếng lại là cú đánh mới nhất vào mối quan hệ vốn đã lao dốc trong những năm gần đây giữa Nga và phương Tây sau khi Moskva sáp nhập Crimea năm 2014 và Washington cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, vụ tấn công mạng SolarWinds, vụ tấn công Ransomware và những cáo buộc liên quan đến thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny.

Tuy nhiên, giữa những cáo buộc liên miên đó vẫn có những nốt trầm là nấc thang mà mỗi bên đưa ra cho phía còn lại. 

Hồi giữa tháng 12, Nga đưa ra dự thảo 8 điểm nhằm giảm căng thẳng với NATO. Dự thảo này phần lớn bao gồm các vấn đề liên quan đến an ninh, hệ thống hóa một loạt yêu cầu đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong những tuần gần đây của quan chức Nga.

Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Joe Biden hội đàm trực tuyến hôm 7/12. (Ảnh: Reuters)

Nổi bật nhất là yêu cầu NATO cam kết "tự kiềm chế không mở rộng về phía Đông, bao gồm kết nạp Ukraine và thêm các nước khác”. Nga cũng hối thúc Mỹ loại bỏ vũ khí hạt nhân ở châu Âu; đồng thời rút lực lượng khỏi Ba Lan và các nước vùng Baltic, tham vấn trước khi tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga…

“Đề xuất của Nga giải quyết các khía cạnh khác nhau của tình hình đáng báo động ở châu Âu, các nước NATO và Đông Âu. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải tuân theo cách tiếp cận cũng như cung cấp giải pháp toàn diện đảm bảo an ninh cho nước Nga”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết.

Tuy nhiên, một số quan chức NATO đã lên tiếng bác bỏ các đề xuất này.

Tổng thư ký NATO Jens Stontenberg từ chối đáp ứng đề nghị của Nga là loại bỏ khả năng kết nạp Ukraine:

“Chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống đối thoại nhưng sẽ không bao giờ thỏa hiệp về quyền của những quốc gia có chủ quyền như Ukraine trong việc lựa chọn con đường của riêng mình và trên nguyên tắc, chỉ có Ukraine và 30 nước thành viên NATO mới có quyền quyết định khi nào thì Ukraine sẵn sàng gia nhập liên minh”, ông Stontenberg khẳng định. 

Trong khi đó, Mỹ cho biết đã nhận các đề xuất từ Nga để bắt đầu đàm phán và đang thảo luận với đồng minh cũng như đối tác ở châu Âu. Các quan chức Mỹ nhận định, có một số điều kiện trong văn kiện mà chính người Nga biết là sẽ không thể được chấp nhận. Dù tuyên bố cởi mở đối thoại ngoại giao về những lo ngại an ninh của Nga, các quan chức Mỹ nhấn mạnh bất kỳ cuộc thảo luận nào cũng sẽ bao gồm những lo ngại an ninh của NATO đối với Nga.

“Nga hiện đã đặt lên bàn cân mối quan tâm của mình với các hoạt động của Mỹ và NATO. Chúng tôi sẽ đặt lên bàn cân mối lo ngại của mình với các hoạt động của Nga mà chúng tôi tin rằng gây tổn hại đến lợi ích và giá trị của chúng tôi. Đó là cơ sở của sự có đi có lại nếu theo đuổi bất kỳ hình thức đối thoại nào”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định. 

Đây là lần đầu tiên Nga nêu chi tiết các yêu cầu của mình sau nhiều tháng căng thẳng với Ukraine và phương Tây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng NATO sẽ khó có thể chấp nhận các đề xuất từ phía Nga, dẫn tới các cuộc đàm phán về "đảm bảo an ninh" có thể thất bại. 

Các diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ giữa Nga và NATO cũng làm phức tạp thêm nỗ lực cải thiện quan hệ ngày càng lao dốc với Nga khi đang phải dàn sức đối phó với Trung Quốc của Mỹ. 

Dù đưa ra các cảnh báo gay gắt với Nga, có thể thấy chính quyền Biden vẫn để ngỏ con đường ngoại giao với những lời lẽ mềm mỏng. 

Quan hệ Nga-NATO leo thang căng thẳng những tháng qua. (Ảnh: AP)

"Mục tiêu của chúng tôi là giảm leo thang căng thẳng qua con đường ngoại giao và Mỹ sẵn sàng tham gia đàm phán thông qua nhiều kênh khác nhau", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Sự mềm mỏng này của Mỹ - quốc gia dẫn đầu NATO ít nhiều khiến các đồng minh lo ngại. 

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng Mỹ và châu Âu không thể kề vai sát cánh trừ khi có cùng quan điểm về mối đe dọa mà họ đang đối đầu.

Ở thời diểm hiện tại, hai bên tồn tại bất đồng trên nhiều vấn đề. 

Đức vẫn quyết tâm hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2 bất chấp phản đối từ Mỹ. Quan hệ Pháp-Mỹ cũng sứt mẻ ít nhiều sau thỏa thuận AUKUS. Dù Washington lên tiếng kêu gọi các đồng minh tập hợp thành một mặt trận chống Trung Quốc, một số quốc gia tỏ ra ngần ngại.

Trong bối cảnh Mỹ phải căng sức đối phó với Trung Quốc, một số đồng minh châu Âu lo ngại Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ có một số nhượng bộ với Nga, điều mà họ coi là mối đe dọa khẩn cấp.

Hồi tháng 7, chính quyền Biden đạt được thỏa thuận với Đức cho phép hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2 - dự án mà các nhà lãnh đạo châu Âu coi là một biện pháp để Nga gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.

Dù thừa nhận không có cơ sở nào để lạc quan sau cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo Nga-Mỹ, điện Kremlin vẫn đánh tiếng cho biết Tổng thống Putin và người đồng cấp Biden đồng ý tổ chức thêm các cuộc đàm phán trong tương lai, có thể là một cuộc gặp trực tiếp. 

Không rõ đây có phải là các dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ "xuống nước" hay không. 

Câu trả lời có thể sẽ có khi Nga, Mỹ và NATO ngồi xuống bàn đàm phán an ninh diễn ra vào tháng 1 tới.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới