Hôm 13/6, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết kho vũ khí nước này đã trống rỗng do viện trợ quân sự cho Ukraine và Warsaw cần các đồng minh phương Tây hỗ trợ hỏa lực.
“Chúng tôi hy vọng những lỗ hổng phát sinh sẽ được lấp đầy trong khuôn khổ các cơ chế hỗ trợ từ đồng minh", Tổng thống Andrzej Duda nói, nhấn mạnh Ba Lan là nhà cung cấp vũ khí hạng nặng hàng đầu của Ukraine, bao gồm hàng trăm xe tăng, pháo và các thiết bị khác.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. (Ảnh: Getty)
Warsaw cũng viện trợ cho Kiev hàng trăm nghìn viên đạn, cũng như máy bay không người lái và bệ phóng phòng không. Chỉ riêng viện trợ quân sự, Ba Lan cung cấp khoảng 1,7 tỷ USD cho Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tấn công Uktaine hồi tháng 2.
Ông Duda cho biết Warsaw đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của nước láng giềng Ukraine trên chiến trường, nhấn mạnh có thể mất nhiều năm để Ba Lan thay thế lại vũ khí.
“Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các đồng minh, đặc biệt là những nước lớn gửi cho chúng tôi thiết bị quân sự - không nhất thiết phải mới”, ông Duda nói.
“Ngược lại, chúng tôi tặng thiết bị đã qua sử dụng cho Ukraine. Chúng tôi có thể chấp nhận những vũ khí đã qua sử dụng miễn là điều đó hợp lý, ít nhất sẽ bổ sung vào số khí tài mà chúng tôi đã viện trợ", ông Duda cho hay.
Ba Lan là quốc gia đi đầu trrong đề xuất các biện pháp trừng phạt Nga và cung cấp cho Ukraine vũ khí tối tân. Radoslaw Sikorski, thành viên Nghị viện châu Âu và là cựu Ngoại trưởng Ba Lan, thậm chí gợi ý về việc phương Tây có thể cung cấp cho Kiev các đầu đạn hạt nhân để tự vệ.
Tuy nhiên, không phải tất cả vũ khí do Ba Lan viện trợ cho Kiev đều đến được chiến trường Ukraine. Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết các cuộc không kích của Moskva đã phá hủy xe tăng T-72 và các loại xe bọc thép khác do các nước Đông Âu cung cấp cho Ukraine.
Sau khi khủng hoảng Nga - Ukraine bùng phát, Ba Lan đã tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn Ukraine.