Trong 10 năm qua, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của các thiết bị IoT (Internet of Things), xung đột toàn cầu, các thảm họa tự nhiên, những bộ phim về siêu anh hùng dẫn đầu doanh thu phòng chiếu, chia sẻ phương tiện di chuyển và điện khí hóa. Trong đó, có những cuộc cách mạng về dịch chuyển, và cả những bê bối khổng lồ của những tên tuổi lớn trong số các thương hiệu xe hơi và nhà cung ứng của ngành công nghiệp ôtô.
1. Bê bối khí thải của Volkswagen
Một động cơ dầu trên xe Volkswagen (Ảnh: Volkswagen)
Công chúng chỉ biết về những sai phạm của tập đoàn Đức vào tháng 9/2015, khi Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) nói rằng Volkswagen Groups đã được cảnh báo về việc vi phạm đạo luật không khí sạch Clean Air Act. Gian lận được phát hiện từ một cuộc điều tra do EPA và CARB (California Air Resources Board) thực hiện nhắm vào mức khí thải động cơ dầu vượt mức quy định trên hàng trăm nghìn xe tại Mỹ.
EPA cáo buộc Volkswagen sử dụng một phần mềm ẩn có tên là "dụng cụ triệt tiêu" (defeat device) để né tránh tiêu chuẩn khí thải trong quá trình kiểm tra mức khí thải. Phần mềm vốn được lắp đặt trên khoảng một triệu mẫu xe Audi, Bentley, Porsche và Volkswagen đời 2013-2017, theo EPA.
Trong hậu trường, bê bối được cho là bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, khi Volkswagen chuẩn bị đánh cược một khoản đầu tư khổng lồ vào dòng xe động cơ dầu và nỗ lực thống trị thế giới ở dòng xe con sử dụng máy dầu, mặc cho sức ép ngày càng tăng từ các tiêu chuẩn khí thải.
Phần mềm kia giúp hệ thống điều khiển hộp số theo cách đôi khi giúp tối ưu hóa việc tiêu thụ nhiên liệu và khí thải trong thử nghiệm khí thải theo quy định của EPA, nhưng không phải dưới các điều kiện lái bình thường.
Sau khi bị điều tra và bê bối bị phanh phui, Giám đốc điều hành Martin Winterkorn từ chức, hãng bị phạt hàng tỷ USD, rất nhiều đợt triệu hồi với lượng xe kỷ lục, hình ảnh của Volkswagen xấu đi chưa từng thấy. Đến nay, bê bối khí thải vẫn là vấn đề lớn với hãng xe Đức, tác động xấu tới dòng xe điện - một cách để xoa dịu những bức bối suốt thời gian qua.
2. Lỗi túi khí Takata
Túi khí Takata được lắp trên rất nhiều mẫu xe thuộc nhiều thương hiệu khác nhau trên thế giới (Ảnh: Pixabay)
Ác mộng về những chiếc túi khí bị lỗi vẫn kéo dài đến ngày nay, kể từ khi những đợt triệu hồi đầu tiên được thực hiện vào năm 2013. Hàng triệu tài xế vẫn phải đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc bị thương nặng do túi khí nổ.
Takata sử dụng hợp chất amoni nitrat dễ bay hơi rất nguy hiểm trong bơm túi khí, bộ phận quan trọng đẩy túi khí bung. Túi khí nổ quá mạnh khiến mảnh vỡ kim loại găm vào người trên xe.
Túi khí Takata, với số lượng chưa được xác định rõ, lắp trên xe của rất nhiều thương hiệu trên khắp thế giới, từ Acura tới Volkswagen, thậm chí siêu xe McLaren hay xe điện Tesla.
Tại Mỹ, triệu hồi xe liên quan lỗi túi khí đạt mức kỷ lục trong lịch sử và lan ra khắp thế giới kể từ 2013, với hơn 3,6 triệu xe thuộc các thương hiệu. Thậm chí, xe lắp túi khí Takata được sản xuất từ năm 1996, vì thế gần như mọi hãng xe đều liên quan. Takata đã cung cấp xấp xỉ 20% lượng túi khí trên toàn thế giới, có nghĩa vẫn còn hàng triệu chiếc ôtô đối diện nguy cơ bị triệu hồi dù tổng số xe bị gọi về sửa túi khí hiện đã hơn 50 triệu chiếc.
3. Chủ tịch Nissan bị bắt
Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn bị cáo buộc gian lận tài chính và các cáo buộc khác ( Ảnh: AP)
Một trong những "ông trùm" được nói đến nhiều nhất trong ngành và người đàn ông gần như một tay xoay chuyển Nissan rồi sau đó là Renault, Carlos Ghosn, bị các công tố viên Tokyo bắt giữ trong năm 2018. Đến nay, kiện tụng chống lại vị cựu chủ tịch vẫn còn.
Ghosn bị buộc tội thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập của bản thân. Nhiều hành vi sai trái khác cũng được phát hiện như sử dụng tài sản của công ty cho mục đích riêng tư.
Ghosn được xem là một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. Sau khi tái cơ cấu thành công Renault cuối những năm 1990, tên tuổi ông gắn liền với biệt danh "Sát thủ chi phí" - "Le Cost Killer". Ghosn trở thành người đầu tiên trên thế giới điều hành đồng thời hai công ty có tên trên bảng xếp hạng Fortune Global 500 khi đảm nhận vai trò CEO tại Renault và Nissan năm 2005.
Ghosn vào tù rồi được tại ngoại ở Nhật Bản bốn lần trong 2019. Ngày 31/12/2019, Ghosn ra tuyên bố tại Beirut, rằng đã trốn từ Nhật sang Lebanonkhi đang bị quản thúc để chờ xét xử. Đến nay, ông vẫn phủ nhận toàn bộ cáo buộc.