Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Áp lực khủng khiếp trên đôi vai VĐV Trung Quốc tại Olympic Tokyo

(VTC News) -

Các VĐV Trung Quốc chịu áp lực thành tích cực lớn tại Olympic Tokyo, khi mọi tấm huy chương (trừ vàng) đều bị coi là chỉ dấu của thất bại.

Đoàn thể thao Trung Quốc đang dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương Olympic, tuy nhiên, thành tích này chưa khiến CĐV hài lòng.

Theo BBC, làn sóng phẫn nộ vẫn âm ỉ xuất hiện ở một số môn khi VĐV Trung Quốc chỉ giành huy chương bạc hoặc huy chương đồng. Ở Trung Quốc, huy chương vàng là dấu hiệu duy nhất của thành công. Các tấm huy chương còn lại đều là hiện thân của thất bại.

Vô địch hoặc không có gì 

Sau trận thua trước bộ đôi Jun Mizutani và Mima Ito của Nhật Bản ở chung kết bóng bàn nội dung đôi nam nữ, Liu Shiwen và Xu Xin phải công khai xin lỗi khán giả. "Tôi cảm giác như mình đã không làm tròn nhiệm vụ. Tôi xin lỗi tất cả", Liu nói. Cô cúi đầu xin lỗi, nước mắt không ngừng rơi.

Xu Xin (trái) và Liu Shiwen không thể giành HCV bóng bàn. 

Xu Xin cũng không giấu được nỗi buồn. "Cả nước đều mong chờ trận chung kết này. Tôi nghĩ toàn đội Trung Quốc không thể chấp nhận kết quả này", anh nhấn mạnh. 

Thất bại của Xu Xin và Liu Shiwen tạo ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Trên nền tảng trực tuyến Weibo, các CĐV công kích, nói rằng Liu và Xu "làm mất mặt quốc gia". Một số khán giả khác nói bộ đôi của Nhật Bản được trọng tài thiên vị. Đây là nhận định không có căn cứ.

Theo BBC, thứ hạng ở Olympic của các VĐV Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa trong khuôn khổ thể thao. 

"Đối với những CĐV quá khích, bảng tổng sắp huy chương Olympic giống thước đo theo dõi năng lực của các quốc gia, phản ánh phẩm giá của từng quốc gia", tiến sĩ Florian Schneider, Giám đốc Trung tâm châu Á Leiden (Hà Lan) khẳng định. 

Hôm 26/7, VĐV Liao Quiyun bước vào phần thi cử tạ hạng cân 55kg. Cô là đương kim vô địch thế giới. Liao bước lên sàn đầu với sự lo lắng tột độ. Ở những giây cuối, cô để VĐV Philippines vượt qua để giành huy chương vàng.

Liao bật khóc vì chỉ giành HCB cử tạ. 

Liao không kìm được nước mắt. Hơi thở cô dồn dập. Liao ôm HLV và bật khóc nức nở. Một phóng viên an ủi Liao rằng huy chương bạc cũng là thành tích tuyệt vời, nhưng Liao chỉ nhìn xuống sàn nhà.

"Tôi đã cố hết sức", Liao nói. Nước mắt cô lại chảy dài. Chấn thương âm ỉ trong nhiều năm, lại phải chống chọi với khối lượng tạ khổng lồ, đó là cuộc sống của Liao để đổi lấy phút đeo huy chương ở Olympic. "Chấn thương luôn ở đó, nó cứ lặp đi, lặp lại", Liao nói về vết đau của mình.

Không giống Simone Biles hay Naomi Osaka - những VĐV nổi tiếng đã chia sẻ về áp lực khủng khiếp của thể thao đỉnh cao, Liao không đề cập đến những tổn hại tinh thần đeo đuổi cô từ khi còn bé. 

Nhưng ít nhất, Liao còn có có huy chương. Những VĐV không được đứng lên bục nhận giải, hay tồi tệ hơn là mất vé dự chung kết, đều đối diện với làn sóng phẫn nộ.

Wang Luyao là một ví dụ. Không thể giành một suất dự trận chung kết 10m súng trường hơi nữ, cô bị CĐV nhà chỉ trích dữ dội. 

"Chúng tôi cử cô đến Thế vận hội để đại diện cho đất nước, có phải để cô thi đấu yếu kém như vậy?" một bình luận cho biết. Những lời chỉ trích Wang lớn đến mức Weibo đã "treo" tài khoản của khoảng 33 người có bình luận tiêu cực. 

Áp lực vượt khuôn khổ thể thao 

Trở lại với trận chung kết bóng bàn của Xu Xiu và Liu Shiwen. Thất bại càng "khó nuốt" hơn với CĐV Trung Quốc, khi bộ đôi của nước này thua các tay vợt của Nhật Bản - quốc gia có lịch sử đầy biến động với Trung Quốc. 

Nhưng điều đó không chỉ diễn ra trong môn bóng bàn. Bộ đôi Li Junhui và Liu Yuchen của Trung Quốc bị chế giễu sau trận thua ở chung kết cầu lông trước các tay vợt của Đài Loan.

Li Junhui và Liu Yuchen (trái) bị chỉ trích vì thua các tay vợt Đài Loan. 

"Các người không tỉnh táo sao? Các người không có chút nỗ lực nào. Chuyện gì đang xảy ra vậy", một CĐV đặt dấu hỏi. 

Giành huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội, nhưng VĐV bắn súng Yang Qian cũng trở thành nạn nhân. Trên Weibo, Yang từng khoe bộ sưu tập giày mang nhãn hiệu Nike của mình. Điều này khiến CĐV không hài lòng.

Nike từng bị tẩy chay ở Trung Quốc vì bày tỏ quan ngại sâu sắc về cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất bông ở Tân Cương. 

"Là VĐV Trung Quốc, tại sao cô lại sưu tập giày của Nike? Cô nên đi đầu trong việc tẩy chay Nike mới đúng", một CĐV đặt dấu hỏi. Yang phải xóa bài đăng để tránh sức ép dư luận. 

Sức cạnh tranh tại Olympic khiến mọi VĐV đều có thể trở thành chủ đề châm biếm, đả kích, bởi những lý do nằm ngoài khuôn khổ thể thao.

Yang phải xóa ảnh chụp bộ sưu tập giày Nike. 

Theo tiến sĩ Schneider, "công chúng Trung Quốc được nói rằng thành công của quốc gia là vấn đề lớn lao, và các VĐV Trung Quốc phải mang lại thành công cho đất nước ở Olympic Tokyo". 

Ở cơ sở tập luyện của các VĐV cử tạ Trung Quốc, quốc kỳ được treo kín các bức tường để nhắc nhở rằng họ tập luyện, thi đấu vì danh dự quốc gia, chứ không còn là danh dự cá nhân. Theo BBC, chủ nghĩa dân tộc ở một bộ phận CĐV đã đi quá xa. Điều đó khiến áp lực đặt trên đôi vai VĐV Trung Quốc càng lớn. Họ không được phép thất bại. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn cực đoan. Nhiều CĐV lên tiếng ủng hộ VĐV Trung Quốc, cho rằng những kẻ chỉ trích là vô lý. Truyền thông Trung Quốc cũng kêu gọi CĐV cần hành xử lý trí hơn.

"Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta trước màn hình sẽ có quan điểm hợp lý về huy chương vàng, về chiến thắng và thất bại, để tận hưởng tinh thần Olympic", một bài bình luận của Tân Hoa xã nêu quan điểm. 

Hồng Nam

Tin mới