"Vũ nữ chân dài" hay còn gọi là khô nhái - đặc sản trứ danh ở miền Tây được nhiều người yêu thích.
Theo một số người dân miền Tây, món này có nguồn gốc từ Campuchia. Sau khi du nhập vào Việt Nam, nhờ sự khéo léo và cẩn thận, kèm thêm vị thơm đặc trưng của miền Tây, món này bỗng trở nên nổi tiếng.
Để có được món ăn nức tiếng ấy, nhiều người phải trắng đêm lặn lội ngoài đồng ruộng mênh mông để bắt nhái.
Ông Võ Bé Hoàng (44 tuổi, ngụ tại ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, tập tính của loài nhái là kiếm ăn vào ban đêm. Dụng cụ bắt nhái rất đơn giản, gồm đèn soi, rổ đựng nhái và cây chụp nhái do những người săn nhái tự chế.
"Cây chụp dài khoảng 2m, phần đầu làm cái hom. Khi thấy nhái thì chụp lại, nhái chui vào không thể thoát ra”, ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, ban đêm nhái di chuyển rất nhanh nhưng khi bị đèn rọi vào làm chói mắt thì nhái đứng yên. Lúc này, người săn nhái chỉ cần dùng cây chụp đã chuẩn bị trước để chụp lấy chúng.
Hiện nhái đang vô mùa nên giá khá rẻ, khoảng 55.000 đồng/kg. Những tháng hạn, giá lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi đêm các thợ săn nhái có thể bỏ túi được từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, mỗi chuyến đi, người săn nhái phải băng qua nhiều cánh đồng, đối mặt với những cơn mưa bất chợt, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị sét đánh hay có thể dính các bẫy chuột bằng điện nguy hiểm tính mạng.
Những con nhái còn sống sẽ được người thợ làm khô cho vào thùng nhựa lớn rồi bỏ nước đá vào. Nhái bị lạnh, chết cóng. Sau đó, nhái được vớt ra, cắt bỏ đầu, lột da, làm sạch ruột, rửa sạch.
Tiếp đó, nhái được ướp các gia vị như nước mắm, tiêu, ớt... rồi xếp lên vỉ, phơi nắng.
Nếu nắng tốt chỉ cần 1,5 ngày thì nhái đã khô, đủ độ ngon. Khoảng 5kg nhái thịt sau khi làm sạch, phơi mới được 1kg khô nhái thành phẩm.
Khô nhái chế biến thành nhiều món ngon khác nhau, nhưng được ưa chuộng nhất là chiên giòn, chiên nước mắm.