Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Nửa đêm rọi đèn xem nông dân Thái Bình thu hoạch su hào bán Tết

(VTC News) -

Những ngày giáp Tết, nông dân làng An Phú (Thái Bình) dậy từ 2-3h sáng, tất bật ra cánh đồng rộng hàng trăm hecta để thu hoạch su hào.

Giáp Tết là vụ thu hoạch su hào chính của người làng An Phú (tên nôm là làng Đó), xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh Thái Bình. Đây cũng là một trong những địa phương trồng rau màu lớn nhất miền Bắc và Bắc Trung bộ, với diện tích canh tác khoảng 150 hecta. 3-4h, nhiều người làng An Phú chui ra khỏi chăn ấm để đi thu hoạch su hào. Trên cánh đồng tối đen lấp lóe ánh đèn di động. Đèn pin có quai được gắn trên đầu mỗi nông dân (giống như đèn của thợ mỏ) giúp họ làm việc thuận tiện vào ban đêm. 

Nông dân giải thích, su hào cần được thu hoạch khi trời chưa sáng để đảm bảo sự tươi ngon (nếu thu hoạch ban ngày, nhất là  khi có nắng thì su hào sẽ bị héo) và để và kịp giao hàng cho các đại lý thu mua nông sản trong làng. Thu hoạch xong, họ có thể “phay” ruộng (thuê máy cày cày xới đất)  ngay để kéo luống trồng su hào cho kịp vụ sau. Vì lẽ đó mà vào thời điểm gần sáng, các đại lý nông sản, nông dân, tiểu thương ở đây tấp nập chở su hào, rau củ tới các chợ nhỏ và chợ  đầu mối khắp Thái Bình và nhiều tỉnh thành lân cận. Những người chở hàng tới hanh Hóa, Nghệ An phải đi từ 19-20h. 

Theo nhiều người An Phú, dân làng chuyên canh su hào ít nhất là từ 60 năm trước, dưới thời bao cấp, khi một chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp là ông Đào Văn Rương mang giống về. Vài chục năm qua, su hào có mặt trong bữa ăn của người làng Đó, được bán lẻ tại nhiều chợ nhỏ, chợ nông sản đầu mối trong và ngoài tỉnh Thái Bình.

Trong việc thu hoạch su hào, chặt thì nhanh, đóng gói mới là công đoạn lâu nhất. Có thể chỉ cần một người chặt nhưng đóng gói thì phải 3-4 người, ít nhất là 2 người. Trước đây, nông dân đưa su hào mới chặt bằng quang gánh  từ ruộng lên bờ, chở bằng xe thồ hoặc xe máy về nhà, cắt trụi lá, chỉ để lại chút ngọn, cọ rửa sạch. Từ vài năm nay, họ để nguyên lá, nguyên phấn, không cọ rửa, xếp từng 20 củ/ vào túi nylon lớn ngay tại ruộng nhằm hạn chế sây sát, dập khi vận chuyển, trông lại gọn gàng, đẹp mắt hơn. Người làng chế ra khung sắt giữ miệng túi nilông ngay ngắn để nhanh chóng và thuận tiện xếp  củ vào gọn gàng. Có những người chuyên đóng gói su hào, làm rất nhanh và gói rất đẹp mắt. 

Sau khi thu hoạch, nông dân làng An Phú dùng xe máy hoặc xe kéo để vận chuyển su hào về bán lại cho các đại lý. 

Các cánh đồng thôn An Phú nói riêng và xã Quỳnh Hải nói chung hiện hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, hướng tới sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ở mọi cánh đồng, các con đường ngang dọc kiểu ô bàn cờ được hoàn thành, mở rộng 3-5 m, đổ bê tông. Xe kéo và xe tải vài tấn có thể đi tới tận bờ ruộng chở nông sản, giảm bớt việc vận chuyển  bằng sức người.

Để thu hoạch 1 sào su hào, 2 người phải làm việc trong 5-6 tiếng, từ 3h đến 8-9h. Nhiều gia đình ăn sáng từ 3h, sau khi xong việc sẽ về nhà ăn lót dạ thêm. Nhiều người không kịp ăn trước khi bắt tay vào việc, khoảng gần 6 h sáng mới tạm dừng tay để ăn sáng tại các quán canh cá, phở, xôi ở chợ Đó.

Canh cá Quỳnh Côi – đặc sản của thị trấn Quỳnh Côi - là món ăn sáng chính của các quán tại chợ Đó, phố Đó và cũng là món luôn được dân làng lựa chọn trong các buổi thu hoạch su hào.

Theo anh Nguyễn Đức Chắn, chủ đại lý thu mua nông sản, su hào An Phú  nhìn mã đẹp hơn su hào ở Đồng Gia (Hải Phòng), Mê Linh (Hà Nội), Tứ Kỳ, Gia Lộc (Hải Dương). Dịp Tết này, anh thu mua, vận chuyển khoảng 3.000 túi, tương đương 7 -8 tấn mỗi ngày. Hiện ở làng Đó có hơn 100 xe tải  của các đại lý, chưa kể hàng trăm xe máy chuyên chở  rau củ đi khắp các chợ lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Riêng tại Thái Bình thì gần như chợ nào cũng có mặt người An Phú buôn bán rau củ.

Những ruộng su hào ở cánh đồng gốc Ruối, đồng Gòi được người làng Đó ltrồng luân canh cho vụ sau Tết Nguyên Đán. Khoảng 10 – 15 năm trước, cánh đồng rau màu của xã Quỳnh Hải (tập trung chủ yếu ở thôn An Phú) được tỉnh Thái Bình và Trung ương coi là điển hình tiên tiến với giá trị sản xuất đạt 50 triệu đồng/ha/ năm. Hiện tại, doanh thu của nông dân An Phú có thể lên đến 600 - 700 triệu đồng/ha/năm.

Không chỉ mang rau củ của địa phương đi khắp các chợ trong và ngoài tỉnh, tại làng An Phú gần 20 năm nay cũng xuất hiện chợ nông sản đầu mối tự phát thu hút đông đảo người nơi khác tới giao dịch. Người An Phú còn đi các tỉnh mua  nông sản về  đây bán lại, như: Hành của Tân Yên, Yên Thế (Bắc Giang), hoa quả của Hòa Bình, Sơn La…Chợ thường họp từ trưa tới 3 – 4 h chiều, dịp giáp Tết gần như họp cả ngày.

ĐẶNG TRẦN THIỆN TÙNG

Tin mới