Cái gì đây? Đây là dụng cụ bóc lạc, rất phổ biến những năm 80 thế kỷ trước. Nhiều gia đình cải thiện thu nhập bằng cách bóc lạc thuê cho công ty thương nghiệp Nhà nước.
Họ nhận lạc nguyên vỏ về, cả gia đình tập trung bóc, làm sạch, phân loại rồi trả lại cho công ty để nhận tiền công. Nếu phần lạc nhân thừa ra so với định mức, họ được giữ lại, thiếu thì phải bù thêm. Công việc này còn giúp các gia đình có thêm nhiên liệu để đun nấu, đó là vỏ lạc.
"Có ai nhớ vật này là gì không" - câu hỏi kèm bức ảnh này trên mạng xã hội nhận được nhiều phản hồi của những người trạc tuổi tứ tuần, gợi nhắc một thời vai ê ẩm vì gánh nước.
Đây chính là đôi móc dùng để móc vào thùng đựng nước, phần tam giác phía trên được lồng vào đòn gánh để gánh nước. Vật này rất quen thuộc với cư dân các khu tập thể, những người phải ra giếng hoặc vòi nước công cộng chờ hứng nước để gánh về, thậm chí gánh lên nhà 4-5 tầng.
Để đôi móc cạnh thùng nước, hẳn các bạn sẽ dễ hình dung hơn.
Dụng cụ này được gọi là "rớ" hoặc "te", dùng để cất tép ở mương, ao... Thả chút thính là cám rang vào giữa rồi đặt xuống nước, lát sau tép sẽ vào ăn.
Những thiếu nữ thích cải thiện bữa ăn gia đình bằng mớ tép tươi thường có hàng chục chiếc rớ như vậy. Họ đặt rồi kéo lần lượt từng chiếc lên, luôn chân luôn tay cả buổi, cũng kiếm được dăm lạng tép mang về.
Thời giếng khoan chưa phổ biến, nước máy chưa phổ cập, nước sinh hoạt được lấy từ giếng đào, chiếc gầu này là vật quan trọng của mỗi gia đình.
Món đồ chơi này được gọi là "súng bắp" hoặc "súng bóc", làm từ lóng tre nhỏ. Đạn là các loại quả nhỏ đủ nhét vừa ống, hoặc giấy nhai nát vo viên. Trông vậy thôi nhưng nếu bị bắn trúng cũng khá đau.
Còn loại súng này được cắt gọt làm từ bẹ lá chuối. Khi các cô, cậu bé gạt mạnh loạt mấu dựng lên, âm thanh đôm đốp vui tai phát ra. Ai làm súng khéo thì tiếng kêu sẽ đanh giòn, rõ nét hơn. Gọi là súng nhưng nó chỉ hiền lành vậy thôi, chỉ "to mồm" chứ không làm đau ai cả.
Với các cô bé thế hệ 6X, 7X, 8X đời đầu chăm chỉ giúp mẹ việc nhà thì cái bếp lò này gợi bao kỷ niệm. Lèn chặt vỏ trấu hoặc mùn cưa vào lò, xung quanh, cái vỏ chai, sau đó rút vỏ chai ra, cho vào khoảng trống ít củi dăm để nhóm lửa, thế là đủ nấu cả bữa cơm và nước uống, thậm chí thêm nồi cám lợn. Trong thời "củi quế gạo châu", chiếc bếp lò này giúp tiết kiệm tiền củi rất nhiều.
Chiếc lò này hiện đại hơn, có thể nấu được bằng vỏ lạc, vụn bào, rơm rạ, nghĩa là nhiên liệu sử dụng cũng đa dạng hơn. Lửa cũng to và nấu nhanh hơn.
Học trò lứa 6X, 7X, 8X đời đầu mỗi lần đến phiên trực nhật thường phải chuẩn bị hai thứ này. Đó là một đoạn thân cây chuối non đập tòe một đầu, nhúng vào nhọ nồi hoặc than củi nghiền nhỏ, dùng để lau bảng. Bảng đen phấn trắng nếu không được "refresh" bằng nhọ nồi thì sẽ lem luốc, trò sẽ không nhìn rõ thầy viết gì lên bảng.
Còn đây là cái vỉ ruồi, được đan từ que tre. Cách sử dụng thật đơn giản: Cầm lấy cái cán, rình lúc bọn ruồi mải mê đánh chén đập "pẹp" một cái, thường đánh 10 cú cũng trúng được vài ba con. Rảnh rỗi không có trò gì chơi, nhiều cô cậu thi đập ruồi, cứ đập rồi đếm, ai được nhiều hơn thì thắng.