Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Những chiêu 'độc' đánh bắt chim trời theo kiểu 'tận diệt' ở Hà Tĩnh

(VTC News) -

Mùa mưa bão đến cũng là lúc chim trời bắt đầu di cư vào đất liền, lợi dụng thời cơ này, một số người ở Hà Tĩnh bắt đầu dàn “thiên la địa võng' đánh bắt trái phép.

Video: Tận mắt thủ đoạn giăng bẫy tận diệt chim trời ở Hà Tĩnh

Dọc theo con đường ven biển các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có hàng vạn hecta rừng xen lẫn đầm phá. Mùa mưa, nơi đây có nhiều loại chim trời di cư dừng chân trú ngụ.

Sau hải trình dài hàng trăm km từ ngoài khơi vào bờ, chực chờ những đàn chim trời là “thiên la địa võng”, một khi sà xuống, chúng sẽ không còn lối thoát. Những ngọn cây cứ ngỡ là nơi an toàn cho đàn chim trú ngụ, nay trở thành ánh đèn cho hàng ngàn “con thiêu thân” lao vào.

Để có được “hệ thống” bẫy công phu, người bẫy chim có thể mất cả tháng trời để đi chặt tre, tỉa ngọn cây, dựng lán. Các bụi cây được chọn lắp bẫy có độ cao từ 5-7m so với mặt đất hoặc thấp hơn.

Sau khi chọn địa điểm hợp lý, họ bắt đầu kết các cành cây lại thành từng dàn, làm thang, chuẩn bị thẻ tre có dính nhựa để cắm lên những cành cây đã chuẩn bị sẵn.

Dọc các lối vào vị trí bẫy chim, người dân dùng cây có gai nhọn và mảnh vỡ thủy tinh chắn ngang đường, hòng cản trở lực lượng chức năng kiểm tra. Đa số, những chiếc “bẫy” này được dựng lên từ các cây tre có nhiều gai nhọn, sắc nếu đi qua không để ý nó có thể cứa vào cơ thể hoặc dẫm vào dưới chân, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Chim mồi có 2 loại: loại chim thật và loại chim giả (làm từ xốp, sau đó quét sơn lên cho giống chim thật).

Nhựa được dùng để bôi lên thanh tre là loại siêu dính, chỉ cần lông chim chạm vào thì sẽ không thể thoát ra, ngược lại càng vùng vẫy càng dính nhiều hơn.

Thanh tre nhỏ, dài khoảng 30cm, sau khi quét nhựa được cắm khắp nơi từ giữa ruộng cho đến các tán cây.

Có một sự thật ít ai biết về những chú chim thật được dùng làm mồi trên những ngọn cây, trừ một số con được nuôi nhiều năm, có sức khỏe tốt, sẽ sống sót cho đến hết mùa bẫy chim, còn lại đa số chúng sẽ chết vì kiệt sức sau 3-5 ngày đứng dụ chim trời.

Thời gian bẫy chim thường kéo dài cả ngày, tuy nhiên thời điểm chim về nhiều, dễ đánh bắt là đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Để đề phòng chim mồi tấn công người, chúng sẽ bị “khâu” đôi mắt lại.

Một khi con chim đầu đàn bay xuống là tất cả sẽ xuống theo, đàn ít thì vài chục con, đàn nhiều thi hàng trăm con. Rất ít con có thể thoát khỏi khu vực bẫy, nên những ngày chim trời về nhiều, có nhà bắt đến vài trăm con là bình thường.

Chim mồi trên các ngọn cây bị trói chân lại, làm nhiệm vụ “câu dẫn”, khi đàn chim bay qua thấy nhiều đồng loại ở dưới thì chúng sẽ sà xuống. Bao quanh “trận địa” chim mồi này là hàng vạn thẻ tre có quét nhựa, chực chờ chim trời hạ cánh là dính chặt.

Dù biết chính quyền địa phương cấm, nhưng vì muốn kiếm thêm ít tiền lo cho con cái nên người dân vẫn cứ tiếp nối nghề của cha ông. Vào thời điểm lực lượng chức năng tuần tra, nhiều người bẫy chim trái phép bỏ chạy.

Trước vấn nạn săn bắt chim trời trái phép, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các đoàn liên ngành ra quân xử lý các vi phạm về săn bắt động vật hoang dã và chim di cư.

Trong các đợt ra quân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 46 cuộc kiểm tra, qua đó phát hiện, thu giữ gần 5.800 con chim mồi giả, hơn 15.600 que nhạ, 11.250m lưới, 39kg nhạ, 13 bộ loa phát tín hiệu tiếng chim giả, 40m dây điện, 172 cột tre và thả về tự nhiên hơn 158 con chim mồi.

TRỌNG TÙNG

Tin mới