Cả thập kỷ qua, không gian nhà lá kết hợp tranh tre thuần Việt tọa lạc bên rừng dừa nước bạt ngàn ở thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trở thành điểm tham quan hút hồn lữ khách thập phương.
Chủ nhân của không gian dung dị nhưng chứa đựng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đậm chất nghệ thuật này là lão nông Trần Văn Hùng (60 tuổi) - người có thâm niên hơn 30 năm theo nghề tranh tre nhà lá. Ông Hùng tâm sự, sinh ra ở vùng đất được bao phủ bởi cánh dừa nước, cha ông một đời mưu sinh nhờ cái nghề tranh tre nhà lá nên theo dòng chảy của thời gian, cái nghề mặc nhiên vận vào người ông ngay từ thuở thiếu thời.
Suốt nhiều năm, ông Hùng cần mẫn dựng nên những mái nhà lá từ dừa nước nhưng cái nghèo cái khó vẫn cứ đeo đuổi. 10 năm trước, cơ duyên đưa đường dẫn lối giúp ông rẽ hướng và phất lên làm giàu. "Tình cờ khi đang chẻ tre để nẹp chặt mái che được làm từ dừa nước, tôi nảy ra ý tưởng về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng tre. Từ đó, tôi dốc sức nghiên cứu, mày mò và thử sức chế tác một số vật dụng đơn giản như đèn ngủ. Tôi nhớ như in, chiếc đèn ngủ bằng tre đầu tiên ra đời được du khách đặt mua với giá 600.000 đồng. Với khoản tiền lời ngoài sức tưởng tượng, tôi quyết định dành thời gian nhiều hơn để chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ tre, song cái nghề tranh tre nhà lá của cha ông truyền lại tôi vẫn gắn bó", ông Hùng chia sẻ.
Sau khi chế tác thành công những vật dụng đơn giản như: Đèn ngủ, bộ ấm trà, ốp trần, đèn lồng..., lão nông tài hoa này bắt đầu cho ra đời những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật điêu khắc cực kỳ điêu luyện như con tôm, con cá, con rồng, cặp chim bằng tre hết sức bắt mắt.
Những con tôm bằng tre không mất quá nhiều thời gian của ông Hùng được bán với giá không dưới 300.000 đồng.
Còn đối với xe nước bằng tre "ngốn" 4-5 ngày trời công sức thì giá chạm ngưỡng 4 triệu đồng.
Đặc biệt, những bộ bàn ghế bằng tre có giá lên tới hàng chục triệu đồng như thế này đang giúp lão nông xứ Quảng phất lên làm giàu với nguồn thu nhập trung bình hàng tháng dao động trong khoảng 35-40 triệu đồng.
"Không dễ để tạo nên các sản phẩm bằng tre thủ công hoàn hảo. Nghề chế tác này đòi hỏi cao ở sự kiên trì, tỉ mỉ. Do vậy, ở làng này, ngoài tôi ra thì không ai theo nghề. Lớp trẻ vào học nghề được đôi ba hôm cũng bỏ ngang", ông Hùng nói.
Đến thời điểm hiện tại, góc không gian nhỏ là nơi chế tác của lão nông 60 tuổi đã đón không biết bao nhiêu lượt khách đến tham quan và tập tành đục đẽo sản phẩm bằng tre.
Những sản phẩm có kích cỡ nhỏ gọn như thế này sẽ là món quà vô cùng tuyệt vời để du khách mang về xứ sở của mình dành tặng người thân, bè bạn.