Nhiều năm nay, chị Hà Thị Lâm (trú xã Vinh Qúy, Hạ Lang, Cao Bằng) nối tiếp nghề làm đường phên truyền thống của cha ông đem lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. “Đây là nghề truyền thống có từ xa xưa để lại rồi, có những nơi làm quanh năm còn gia đình tôi dịp gần Tết mới làm nhiều. Thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. Trước kia làm ép mía thủ công dùng sức trâu kéo vất vả lắm, giờ đây có máy móc hiện đại nên đỡ vất vả hơn rất nhiều mà cho hiệu quả cao”, chị Lâm chia sẻ.
Gia đình chị Lâm làm nghề lâu năm nên các thương lái tìm đến đặt mua theo số lượng hoặc chị tự đem ra chợ phiên để bán với mức giá từ 20-25 nghìn đồng/kg đường phên. Những ngày gần Tết, người dân dùng đường phên làm bánh khảo, bánh trôi, hay làm thuốc rất tốt cho sức khỏe.
Trước đây, khi chưa có máy móc kĩ thuật hiện đại, anh em trong gia đình chị Lâm cùng chung nhau làm một cỗ máy ép mía được kéo bằng sức trâu chạy vòng quanh. Ngày nay đã có máy móc hiện đại được chế tạo thành hệ thống riêng cho việc ép mía nên tiết kiệm được khá nhiều thời gian và công sức.
Nước mía được ép sẽ chảy theo máng tre xuống thẳng chảo trên lò đang đun nóng, khi sôi nổi lên lớp bọt và gạn váng bẩn sẽ được vớt ra ngoài để lọc lấy những tinh chất đường. Lúc này mùi thơm mật mía sẽ theo gió tỏa đi khắp nơi tạo nên không khí rất đặc trưng của những vùng có nghề truyền thống làm đường phên.
Sau khi đun chừng vài giờ đồng hồ, mật mía quánh đặc dần sẽ được nhấc ra đưa vào một thiết bị chuyên để khuấy, tại đây máy sẽ khuấy đều mật mía.
Sau khi đã khuấy đều cho dẻo quánh, mật mía chuyển sang màu nâu sẫm và được đổ ra những chiếc khuôn được chuẩn bị sẵn.
Mật mía để khoảng hai giờ đồng hồ sẽ đông cứng và được cắt thành từng miếng nhỏ. Thông thường để dễ bán, mỗi miếng đường phên sẽ được cắt ra với trọng lượng khoảng 1kg.
Theo chị Lâm, khó khăn nhất vẫn là đầu ra vì nghề làm đường phên ở đây chỉ là làm tự phát truyền thống, không có thương hiệu hay quảng bá nhiều.
Chị Hà Thị Lâm chia sẻ, nhờ làm thêm đường phên để bán và chăm nuôi, trồng trọt nên gia đình có thêm nguồn thu nhập, từ đó gia đình chị xây được ngôi nhà khang trang hơn, đầu tư thêm máy móc nông nghiệp để phát triển kinh tế.
Những năm gần đây, nhiều gia đình ở Cao Bằng có diện tích đất trồng mía rộng lớn chọn cách tự đầu tư máy móc để chế biến cây mía thành những miếng đường phên ngọt ngào tạo nên hương vị thơm ngon cho những chiếc bánh khảo, bánh chè lam, bánh trôi… hay những món ăn truyền thống khác được dâng lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày lễ ,Tết.