Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Làng mật mía xứ Thanh kiếm bộn tiền ngày Tết

(VTC News) -

Giáp Tết, người dân ở làng mật mía (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) lại tất bật vào vụ.

Từ tháng 10 (Âm lịch) những lò nấu mật ở làng mật mía huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) bắt đầu đỏ lửa suốt ngày đêm để phục vụ Tết Nguyên đán.

Vẫn lưu giữ cách nấu mật truyền thống suốt hàng chục năm qua, nơi đây được xem là thủ phủ sản xuất mật mía lớn nhất xứ Thanh. Không chỉ thế, đây là một trong những món nghề giúp người dân kiếm bộn tiền mỗi dịp Tết đến xuân về.

 

Năm nay, làng mật mía bắt đầu hoạt động muộn hơn so với thường lệ 1 tháng (năm Nhuận). Thế nhưng, không khí tấp nập, rộn ràng vẫn luôn hiện hữu. Những mẻ mật mới ra lò chưa kịp nguội đã được các lái buôn từ khắp mọi miền tìm về thu mua.

Đã có thâm niên hơn 30 năm làm nghề nấu mật, chị Trương Thị Thanh (thôn Lâm Thành, thị trấn Kim Tân) chia sẻ: “Nghề nấu mật ở đây được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Ba tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất. Mật mía ở đây ngọt và thơm nên nhiều thực khách rất thích, có thời điểm một ngày nấu từ 4- 5 tấn vẫn chưa kịp phục vụ khách hàng”.

Theo chị Thanh, để làm ra được mật mía phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu và vất vả. Cây mía sau khi được lựa chọn kỹ càng sẽ đem đi xay lấy nước, lắng sạch cặn rồi mới tiến hành đun nấu. Thông thường, mỗi lần nấu mật từ 4 - 5 tiếng. Để có được thứ mật sạch, thơm đòi hỏi những người thợ phải thường xuyên hớt bọt, thổi đều lửa.

Mật mía sau khi nấu sẽ có màu cánh gián, đặc sánh và thơm vị ngọt. Trung bình mỗi ngày, một xưởng nấu mật sẽ cho ra lò từ 2 – 3 tấn mật thành phẩm. Trong những ngày Tết, mật mía thường được dùng để làm thức chấm ngon ngọt cho bánh chưng xanh.

Vốn là vùng đất có diện tích trồng mía nhất nhì xứ Thanh, người dân làng mật mía rất thuận lợi trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, những người thợ nấu mật đòi hỏi phải chịu được sự vất vả, mệt nhọc.

Bã của cây mía sau khi xay nhuyễn sẽ được tận dụng làm nguyên liệu để đốt lò. Đây chính là một trong những lợi thế giúp người dân nơi đây tiết kiệm được chi phí, lợi nhuận cao.

Những ngày giáp Tết, tại làng nấu mật luôn tấp nập không khí kẻ bán người mua, hứa hẹn một cái Tết ấm no, đủ đầy.

Với giá bán từ 11 – 15 nghìn đồng/1kg mật, mỗi tháng trừ chi phí người dân nơi đây kiếm hàng chục triệu đồng.

Thanh Tùng

Tin mới