Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ấn tượng thiết bị lặn, máy bay không người lái, robot 'Made in Việt Nam'

Thiết bị lặn không người lái Dolphin là sản phẩm được Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ an ninh quốc phòng biển đảo.

Sáng 30/11, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, các trường đại học có sản phẩm, dịch vụ được ứng dụng thành công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng đến tham dự triển lãm. Trong số đó, nổi bật có các sản phẩm đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong ảnh là thiết bị lặn không người lái Dolphin của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thiết bị này có khả năng phục vụ hiệu quả hoạt động quan trắc, quan sát, thu thập dữ liệu và giám sát dưới nước tại vùng biển nông. Dolphin có đường kính thân chính 250mm, chiều dài 2100mm, khối lượng 80kg, độ sâu lặn thiết kế tối đa 50m, thời gian hoạt động dưới nước liên tục từ 6-8 giờ. 

 Đây là mẫu sản phẩm có tính năng tương đương với dòng Bluephin 9 của Hải quân Mỹ đã và đang được sử dụng với số lượng lớn. Sản phẩm được nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ an ninh quốc phòng biển đảo.

Máy bay không người lái sử dụng để phun thuốc, bón phân là một sản phẩm được giới thiệu tại gian triển lãm của Đại học Quốc gia TP.HCM. Sản phẩm này giúp hướng tới việc hỗ trợ cho bà con nông dân tránh phải tiếp xúc với những hóa chất độc hại trong quá trình canh tác. 

Tổng khối lượng của chiếc máy bay này là 25kg, có thể trữ được 10 lít thuốc trong một lần bay. Thời gian bay tối đa là 15 đến 20 phút , sử dụng pin sạc từ 2 đến 5 tiếng và hoàn toàn có thể sạc lại. Cách làm này đạt hiệu quả tiết kiệm chi phí nhân công lao động tới 50%. Sản phẩm này sẽ thay người nông dân chủ động trong việc phun thuốc, bón phân, gieo hạt.

Chiếc máy bay này từng được ứng dụng trên một số tỉnh miền Tây như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang và thu được kết quả cao so với cách làm truyền thống. Giá bán hiện tại của thiết bị này là 120 triệu. 

PGS. TS Vũ Ngọc Ánh - Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết sắp tới nhóm đang dần hoàn thiện, nâng cấp phần mềm để giúp người nông dân dễ dàng sử dụng thông qua máy tính, smartphone, lập trình thao tác rất dễ. Trong khoảng 1 tuần có thể đào tạo, hướng dẫn cho người sử dụng.

Robot FUSO hướng dẫn viên của Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khiến nhiều người tham quan triển lãm tò mò. Sản phẩm được bắt đầu nghiên cứu từ tháng 12/2017.

Robot này có khả năng nhớ được khuôn mặt của những vị khách đã gặp và chào khi gặp vị khách đó, đồng thời cập nhật khuôn mặt của những vị khách mới sau lần đầu gặp thông qua camera được lắp trên đầu. 

 FUSO có chiều cao như con người, có thể di chuyển tới mọi nơi trong không gian đóng từ mọi điểm bất kỳ. Đồng thời, có thể xác định địa điểm được yêu cầu và di chuyển tới đó trong khi tránh các vật cản trên đường. Điểm thú vị nũa, robot thay thế hướng dẫn viên có thể nhận diện các cử chỉ vẫy tay từ xa của con người và phản ứng lại với các cử chỉ đó.

Hạ Vũ

Tin mới