Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ăn phải thịt lợn nhiễm sán, cơ thể sẽ đối diện với những mối nguy hiểm nào?

Tùy vào mức độ tổn thương và số lượng sán mà người nhiễm có thể bị nhức đầu, buồn nôn, co giật, thậm chí liệt nửa người.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn, còn gọi là bệnh sán dải. Bệnh này có liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có các trường hợp bị bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Bệnh chia ra làm 2 thể chính là: ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành ở ruột.

Ở thể ấu trùng sán lợn, nguyên nhân do người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn. Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể.

Trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột. Điều này tương tự như ăn phải đốt sán mới, số lượng ấu trùng nhiều.

Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

Miếng thịt nhiễm ấu trùng sán lợn. (Ảnh: Hanoimoi)

Với người bệnh bị nhiễm sán trưởng thành ở ruột do ăn phải thịt lợn sống hay chưa được nấu chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài thành những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà.

Ở một số trường hợp, nếu sán ở não sẽ gây bệnh kén sán não. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ là tùy thuộc số lượng kén sán. Các biểu hiện thường gặp là nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ, mờ mắt...

 Mọi người  cần thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống sôi, không ăn đồ ăn chưa được nấu chín như tiết canh, nem chua hay thịt tái... (Ảnh: Songkhoe)

Điều trị và phòng bệnh

Hiện nay đã có thuốc điều trị khỏi bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn. Nhưng để quá trình điều trị được hiệu quả, người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán, tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để phòng bệnh sán lợn, người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Không nuôi lợn thả rông.

Người dân cũng cần thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ 12/3 đến 16/3, khoảng 1.500 trẻ em ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được gia đình đưa tới khám tại Hà Nội vì nghi ngờ con mình nhiễm sán do ăn thực phẩm không đảm bảo. Kết quả xét nghiệm tại 2 bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương đã có 81 trẻ dương tính với kháng thể sán lợn.

Vụ việc đang khiến nhiều dân người hoang mang, lo lắng.

Video: Phụ huynh đau lòng khi biết con nhiễm sán lợn do ăn thực phẩm bẩn ở trường mầm non

Phạm Quý

Tin mới