(VTC News) - Khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp nhận 5 bệnh nhân từ bệnh viện Bình Thuận chuyển vào với tình trạng ói mửa, rung giật tay chân và đồng tử do ăn nhộng nhiễm nấm.
Nhộng nhiễm nấm độc có thân cứng, biến dạng |
Trong số 5 em nhỏ nhập viện có Đ.T.T 3 tuổi, L.V.Q 8 tuổi, H.V.T và Đ.T.TH đều 11 tuổi, lớn nhất là em Đ.T.K.N 13 tuổi. Trong đó có 3 em là anh, em ruột trong một gia đình. Các bệnh nhân này đều cư ngụ ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Khoảng 16 giờ ngày 12/5, cả 5 bệnh nhi trên cùng hơn 10 em khác đã đào nhộng ve sầu ở dưới đất lên, rồi xào với dầu ăn. Sau khi ăn khoảng 4 giờ, các em bắt đầu có biểu hiện nôn ói nhiều kèm triệu chứng rối loạn thần kinh như kích thích, run tay chân và thậm chí một số em còn có biểu hiện co giật.
Cháu Đ.T.TH 11 tuổi đang được điều trị |
Sau khi dõi, điều trị tình trạng sức khỏe các cháu đã diễn tiến theo chiều hướng tốt hơn và dần hồi phục nhanh chóng.
Sau ca bệnh này, bác sĩ Trần Văn Cường, bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo: Mùa hè đã tới gần, đây là dịp để các em vui chơi thư giãn sau những ngày học tập căng thẳng, đây cũng là cơ hội giúp các em tìm hiểu thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, cha me cũng nên quan tâm và đề cao cảnh giác với những hoạt động của trẻ. Đặc biệt qua trường hợp ngộ độc trên, chúng ta đã thấy mức độ nguy hiểm của việc ăn nhộng côn trùng đã chết và bị nhiễm nấm. Cần giúp trẻ phân biệt rõ nhộng côn trùng nào có thể ăn được và loại nhộng côn trùng nào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, tuyệt đối không ăn được.
Bác sĩ Cường cho biết: “Nhộng ăn được có thân mềm mắt đen và còn nguyên hình dạng. Nhộng nhiễm nấm độc có thân cứng, biến dạng”.
Nguyễn Tâm