Theo Reuters, Hàn Quốc đang sử dụng thỏa thuận vũ khí trị giá 13,7 tỷ USD với Ba Lan để đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Seoul hy vọng trong tương lai các nhà thầu quốc phòng của họ sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc ở thị trường châu Âu.
Mục tiêu này của Seoul là có cơ sở khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết doanh số bán vũ khí của nước này đã tăng lên hơn 17 tỷ USD vào năm 2022 từ mức 7,25 tỷ USD của năm 2021. Tình hình an ninh bất ổn ở Đông Âu và cả Đông Á đang giúp các công ty quốc phòng Hàn Quốc ăn nên làm ra.
Pháo tự hành K9, một trong những sản phẩm quốc phòng bán chạy nhất của Hàn Quốc ở châu Âu. (Ảnh: The New York Times)
Hợp đồng vũ khí nhất lớn của Hàn Quốc
Reuters cho biết, hợp đồng vũ khí với Ba Lan, là thỏa thuận quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc. Trong đó Seoul sẽ cung cấp cho Warszawa hàng trăm hệ thống pháo phản lực phóng loạt Chunmoo, xe tăng chiến đấu chủ lực K2, pháo tự hành K9 và máy bay chiến đấu FA-50.
Các chuyên gia quân sự nhận định, giá trị của hợp đồng trên được xem là đáng mơ ước ngay với các quốc gia phương Tây vốn nắm giữ thị trường vũ khí suốt nhiều thập kỷ qua.
Trong khi đó các quan chức Hàn Quốc và Ba Lan cho biết quan hệ đối tác giữa hai bên sẽ giúp họ chinh phục thị trường vũ khí châu Âu. Sự hợp tác này sẽ giúp Seoul tiếp cận với thị trường châu Âu nhanh hơn trong khi đó năng lực sản xuất vũ khí của Ba Lan cũng được cải thiện.
Reuters trích dẫn các cuộc phỏng vấn 13 giám đốc điều hành công ty quốc phòng và quan chức chính phủ Hàn Quốc, Ba Lan cho biết, thỏa thuận trên cũng bao gồm một kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng các quan hệ đối tác với chính phủ Ba Lan và các tập đoàn tư nhân nhằm mở rộng thị phần vũ khí Hàn Quốc ở châu Âu. Đây cũng là bước đầu tiên giúp Seoul trở thành “ông lớn” trên thị trường vũ khí
"Cộng hòa Séc, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và những nước châu Âu khác từng nghĩ chỉ mua các sản phẩm quốc phòng ở châu Âu nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Họ biết rằng có thể mua sản phẩm tương tự rẻ hơn và được chuyển giao nhanh hơn nếu lựa chọn các công ty Hàn Quốc”, ông Oh Kyeahwan, giám đốc của Hanwha Aerospace nói.
Hanwha Aerospace hiện chiếm 55% thị phần thị trường lựu pháo toàn cầu, con số này sẽ tăng lên khoảng 68% với thỏa thuận với Ba Lan hoàn tất, theo nghiên cứu của NH Research & Securities.
Xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Hàn Quốc chế tạo cho Ba Lan. (Ảnh: Nikkei Asia)
Muốn sớm có hàng thì mua của Hàn Quốc
Tại một nhà máy của Hanwha Aerospace ở miền nam của Hàn Quốc, sáu robot công nghiệp tự động khổng lồ và hơn 150 công nhân sản xuất đang sản xuất những hệ thống pháo tự hành K9 nặng 47 tấn dành cho Ba Lan.
Pháo tự hành K9 sử dụng loại đạn 155 mm tiêu chuẩn NATO, có hệ thống điều khiển hỏa lực được vi tính hóa, được thiết kế để dễ dàng tích hợp vào mạng lưới chỉ huy và kiểm soát đang được nhiều nước phương Tây sử dụng. Điều đáng nói là K9 có giá thành thấp hơn đáng kể so với các sản phẩm cùng loại của châu Âu hoặc Mỹ.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một tăng, Hanwha Aerospace dự kiến sẽ bổ sung thêm khoảng 50 công nhân và nhiều dây chuyền sản xuất hơn
Theo Giám đốc sản xuất của Hanwha Aerospace Cha Yong-su, các robot công nghiệp xử lý khoảng 70% công việc hàn các bộ phận ở lớn trên K9, đây chính là “chìa khóa” giúp đẩy nhanh công suất của dây chuyền. Bình thường các robot này chỉ hoạt động 8 tiếng mỗi ngày nhưng khi cần chúng có thể chạy cả ngày lẫn đêm.
“Về cơ bản chúng tôi có thể đáp ứng bất kỳ đơn hàng nào”, ông Cha nói nhấn mạnh.
Các quan chức Ba Lan cho biết việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí nhanh hơn hầu hết các nhà thầu khác là một sự cân nhắc quan trọng. Lô hàng đầu tiên gồm 10 chiếc K2 và 24 chiếc K9 đã đến Ba Lan vào tháng 12/2022, chỉ vài tháng sau khi các thỏa thuận được ký kết. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hàn Quốc cũng đã chuyển giao thêm cho Ba Lan 5 xe tăng và 12 pháo tự hành.
Trong một trường hợp tượng tự, Hungary đã phải đợi 5 năm nhưng vẫn chưa nhận được chiếc xe tăng Leopard nào từ Đức trong số 44 chiếc đặt mua từ năm 2018, Oskar Pietrewicz - nhà phân tích cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan cho biết.
Theo ông Pietrewicz, việc Đức – quốc gia cung cấp vũ khí chính cho nhiều nước châu Âu gặp hạn chế trong sản xuất đang tạo ra cơ hội cho Hàn Quốc. Đối với các công ty Hàn Quốc như Hanwha Aerospace giao hàng nhanh là một điểm cộng khi đàm phán các hợp đồng.
Theo thống kê của Statista, Hàn Quốc là một trong 8 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2017-2021. (Ảnh: Statista)
“Họ chuẩn bị mọi thứ trong vài tuần hoặc vài tháng trong khi ở nhiều nước châu Âu sẽ mất hàng năm trời”, một giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu giấu tên cho biết.
Một điểm cộng khác là vũ khí của Hàn Quốc được thiết kế để tương thích với các hệ thống của Mỹ và NATO.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho NATO và các quốc gia thành viên, chiếm 4,9% lượng mua vũ khí năm 2022. Con số này của Mỹ là 65% và Pháp là 8,6%.
"Đối với hầu hết các quốc gia, những gì Hàn Quốc có thể làm được có thể phải mất đến 10 năm. Châu Âu đã đánh giá thấp Hàn Quốc trong suốt thời gian qua”, giám đốc điều hành tại một công ty quốc phòng châu Âu giấu tên nói với Reuters.
Doanh số xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc ở thị trường châu Á hiện chiếm khoảng 63% trong giai đoạn từ năm 2018-2022, theo SIPRI.
Nhu cầu tăng cường quốc phòng của nhiều nước châu Á ít nhiều bị tác động bởi sự lo ngại về an ninh và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.