Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ăn mướp đắng có tác dụng gì?

(VTC News) -

Mướp đắng là thực phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam, vậy ăn mướp đắng có tác dụng gì?

Ăn mướp đắng có tác dụng gì?

Mướp đắng là loại rau quen thuộc của người Việt Nam. Mướp đắng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon hoặc hãm trà để uống. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời DS. Hoàng Thu đã chỉ ra những tác dụng của mướp đắng với sức khoẻ như sau:

- Mướp đắng có thể giúp giảm viêm: Mướp đắng chứa nhiều polyphenol. Các hợp chất này được biết đến với khả năng làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể. Càng có nhiều polyphenol, tác dụng chống viêm càng lớn.

- Mướp đắng hỗ trợ quản lý cân nặng: Một số nghiên cứu cho thấy, mướp đắng giúp hỗ trợ quản lý cân nặng, nhưng kết quả còn chưa thống nhất. Phần lớn các nghiên cứu được thực hiện trên động vật, cho thấy loại quả này làm tăng việc sử dụng carbohydrate và hạn chế tăng mỡ.

- Hỗ trợ quản lý bệnh tiểu đường: Mướp đắng chứa các hợp chất hoạt tính sinh học là saponin và terpenoid - chịu trách nhiệm cho vị đắng của loại rau này, nhưng cũng có thể đóng vai trò trong việc hạ lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường.

Các saponin, terpenoid trong mướp đắng có thể giúp di chuyển glucose từ máu đến các tế bào, đồng thời giúp gan và cơ xử lý, lưu trữ glucose tốt hơn.

- Hỗ trợ phòng ngừa hoặc điều trị ung thư: Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Một số nghiên cứu chỉ ra khả năng chống lại hoặc điều trị ung thư của mướp đắng, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận chắc chắn.

Mướp đắng có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh cũng góp phần ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, các hợp chất tự nhiên trong mướp đắng có thể giúp tiêu diệt một số tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển và lây lan. Tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu được thực hiện trên động vật gặm nhấm và các tế bào ung thư riêng lẻ.

- Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, gồm tiểu đường, thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, cholesterol cao.

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy mướp đắng có thể làm giảm mức cholesterol, hỗ trợ sức khỏe tim mạch nói chung.

Nghiên cứu trên người cho thấy, việc sử dụng chiết xuất mướp đắng hòa tan trong nước làm giảm đáng kể mức LDL hoặc cholesterol "xấu", so với giả dược.

- Kháng khuẩn: Ngoài tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, hỗ trợ chức năng miễn dịch, mướp đắng còn được chứng minh là đặc tính kháng khuẩn, kháng virus. Tinh dầu mướp đắng được chứng minh là có khả năng chống lại Staphylococcus aureus (S. aureus) và các vi khuẩn khác như E. coli.

- Hỗ trợ làn da khỏe mạnh: Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong mướp đắng giúp chống lại các tổn thương do gốc tự do, làm chậm các dấu hiệu lão hóa, giúp làn da khỏe mạnh và đẹp hơn.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mướp đắng có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa mụn trứng cá. Tuy nhiên, cần lưu ý, mướp đắng không thể thay thế bất kỳ loại thuốc nào mà bác sĩ kê dùng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được khuyến nghị về chế độ ăn uống phù hợp với cá nhân.

Mướp đắng là loại rau quen thuộc và tốt cho sức khoẻ

Những người không nên ăn mướp đắng

Tuy mướp đắng nhiều tác dụng đối với sức khoẻ nhưng lại không phù hợp với một số người. Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, những người dưới đây không nên ăn mướp đắng:

  • Bà bầu, nhất là khi mang thai ở giai đoạn đầu và phụ nữ đang cho con bú;
  • Trẻ em;
  • Bệnh nhân huyết áp thấp;
  • Người có vấn đề vệ hệ tiêu hóa;
  • Bệnh nhân trước và sau khi thực hiện phẫu thuật (ngừng ăn tối thiểu là 2 tuần trước và sau phẫu thuật);
  • Những người bị thiếu canxi;
  • Những người bị thiếu men G6PD.

Những điều cần lưu ý khi ăn mướp đắng

Đi kèm với đó, để đảm bảo cho hiệu quả nhận được và tránh phải đối diện với các tác dụng phụ không mong muốn, bạn có thể ghi nhớ một vài lưu ý như sau:

  • Tiêu thụ với một lượng vừa phải, không nên lạm dụng.
  • Không kết hợp sử dụng khổ qua với tôm hoặc ăn cùng lúc với sườn heo chiên hay măng cụt.
  • Tránh uống trà xanh sau khi ăn khổ qua vì có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày. Thay vào đó, nên đợi một vài tiếng sau khi ăn xong rồi mới uống.
  • Không nên ăn khổ qua khi bụng đói.

Cách chế biến mướp đắng

Mướp đắng được thu hoạch khi còn non, đó là lý do tại sao chúng có màu xanh thẫm. Khi chín chúng chuyển sang màu cam nhạt, nhưng cũng mất đi nhiều giá trị dinh dưỡng tại thời điểm này.

Mướp đắng được chế biến bằng cách hấp, luộc, xào, om, ngâm, nhồi hoặc cà ri... để chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng và ngon miệng.

Dưới đây là một số công thức chế biến mướp đắng:

  • Mướp đắng xào thịt lợn.
  • Làm salad tươi với xoài, cà chua và mướp đắng nướng.
  • Canh nhồi thịt với mướp đắng.
  • Nước ép hoặc sinh tố mướp đắng.
Hạ An (Tổng hợp)

Tin mới