Ở đây là sự không đồng tình trong cách ra án kỷ luật của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) đối với Kim Huệ và các VĐV. Do việc chuyển nhượng sang Vĩnh Phúc bất thành, Kim Huệ và các VĐV đã bị đại diện Vĩnh Phúc gửi văn bản lên VFV, đề nghị kỷ luật.
HLV Phạm Thị Kim Huệ.
Trong trường hợp này, đáng lý VFV cần triệu tập cả Kim Huệ và các VĐV để trao đổi thông tin, giải trình trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, VFV mà cụ thể là Chủ tịch Lê Văn Thành lại vội vàng dựa theo tố cáo từ một phía để kỷ luật HLV và các VĐV. Cách làm này dễ khiến cho dư luận phải suy nghĩ về động cơ của VFV, bởi nhà tài trợ của CLB bóng chuyền Vĩnh Phúc cũng là đơn vị tài trợ cho VFV và giải bóng chuyền VĐQG.
Án kỷ luật của VFV được ban hành từ 10/4 nhưng tới 12/4, ngay trước thời điểm Ngân hàng Công thương thi đấu, mới được công bố. HLV Phạm Thị Kim Huệ có lý do để cho rằng cách làm việc lạ như vậy sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu các học trò. Bản thân Kim Huệ và các VĐV phải tới ngày 13/4 mới được biết khi...đọc báo.
Ai cũng biết Kim Huệ là một tượng đài của bóng chuyền Việt Nam, có nhiều đóng góp trong 20 năm ở cả cương vị VĐV và HLV. Việc ứng xử với một nhân vật lớn như vậy cho thấy VFV chưa có sự trân trọng đúng mức với chính môn thể thao của mình. Suy cho cùng, bóng chuyền chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi vụ lùm xùm vừa qua.
Theo tìm hiểu, VFV hiện cũng không có quy chế liên quan đến việc đàm phán, chuyển nhượng của HLV, VĐV. Chính vì vậy, các VĐV có quyền tự do đàm phán, chuyển nhượng cho dù đang còn hợp đồng với đội bóng. TTK Lê Trí Trường thừa nhận, đây là điểm thiếu sót, chưa chuyên nghiệp của bóng chuyền.
Có thể nói, để tạo ra những vụ việc làm rối loạn bóng chuyền Việt Nam, trước hết cần phải nhìn từ trách nhiệm những người đứng đầu VFV khi không đưa ra được hệ thống hành lang pháp lý giúp bóng chuyền phát triển chuyên nghiệp. Phải chăng cũng vì vậy, bóng chuyền nhiều năm qua sa sút, dù vẫn là môn thể thao được yêu thích thứ 2, chỉ sau bóng đá? Trách Kim Huệ và các VĐV một thì phải trách VFV mười.