Tàu vũ trụ lên mặt trăng của Ấn Độ lại cất cánh một tuần sau trục trặc kỹ thuật buộc các nhà khoa học phải đột ngột dừng đợt phóng lần một.
Hàng nghìn người tập trung xem Chandrayaan-2 cất cánh lúc 14h43pm giờ địa phương (09h13 GMT) ngày 22/7 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, phía bắc Chennai. Thứ hai tuần trước, tàu vũ trụ gặp trục trặc 56 phút từ khi cất cánh. Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (Isro) cho biết đó là sự cố kỹ thuật.
Video: Ấn Độ phóng tàu vũ trụ khám phá cực Nam mặt trăng
Trong một bài phát biểu sau lần phóng thứ hai, ông Kailasavadivoo Sivan, chủ tịch Isro, cho biết nhân viên cơ quan đã làm việc không mệt mỏi để sửa lỗi. "Đây là khởi đầu hành trình lịch sử của Ấn Độ tới mặt trăng, tàu sẽ hạ cánh tại một địa điểm gần cực Nam để thực hiện các thí nghiệm khoa học khám phá vùng đất chưa được khám phá", ông nói.
Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, đăng trên mạng xã hội Twitter: "#Chandrayaan2 được phóng cho thấy năng lực của các nhà khoa học của chúng ta và quyết tâm của 1,3 tỉ người Ấn Độ để mở rộng biên giới mới của khoa học. Mọi người Ấn Độ đều cực kì tự hào ngày hôm nay!"
Chandrayaan-2 đặt mục tiêu trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh trên mặt đất ở vùng cực Nam mặt trăng, tại đây thu thập thông tin quan trọng về thành phần của mặt trăng. Đó sẽ là lần đầu tiên tàu Ấn Độ hạ cánh trên mặt trăng - một kỳ tích mà trước đây chỉ có Nga, Mỹ và Trung Quốc đạt được.
"Dự án tàu vũ trụ trị giá 141 triệu USD thể hiện năng lực vũ trụ Ấn Độ ngày càng tinh vi", tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, người đứng đầu sáng kiến chính sách hạt nhân và vũ trụ tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation ở Delhi nói. Ấn Độ phóng tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên vào năm 2008, và dẫn tàu vũ trụ lên quỹ đạo quanh sao Hỏa vào năm 2014.
Vào tháng 3, ông Modi tuyên bố nước này bắn hạ thành công một trong những vệ tinh của mình bằng tên lửa. Mặc dù được Modi tôn vinh là bước đột phá cho an ninh quốc gia Ấn Độ, vụ thử tên lửa bị Nasa chỉ trích vì tạo ra hàng trăm mảnh vỡ quỹ đạo và đe dọa các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Chandrayaan-2 được phóng theo sau lễ kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ của Apollo 11, trong bối cảnh nỗ lực trở lại mặt trăng một lần nữa được các quốc gia và ngành công nghiệp tư nhân chú ý.
Vào tháng 1, Trung Quốc hạ cánh tàu vũ trụ Hằng Nga 4 ở mặt tối của mặt trăng, nơi chưa được khám phá trước đó, trong khi vào tháng 4, tàu vũ trụ Beresheet của Israel, tàu vũ trụ đầu tiên được tài trợ tư nhân lên mặt trăng, bị rơi sau sự cố động cơ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết ông muốn đưa phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2024.
Chandrayaan-2, tên tiếng Phạn nghĩa là "tàu mặt trăng", là dự án tàu vũ trụ tham vọng nhất của Ấn Độ cho đến nay, theo The Guardian. Tàu vũ trụ mặt trăng đầu tiên của họ, Chandrayaan-1, đã giúp xác nhận sự hiện diện của nước trên mặt trăng, nhưng tàu này không hạ cánh trên bề mặt mặt trăng. Kailasavadivoo Sivan, chủ tịch của Isro, cho biết thực hiện hạ cánh mềm trên mặt trăng sẽ là "15 phút kinh hoàng".
Đứng trong hàng ngũ tuyến đầu của Chandrayaan-2 là hai người phụ nữ. Giám đốc dự án Muthayya Vanitha, một kỹ sư hệ thống điện tử, được tạp chí khoa học tự nhiên nhận định là một trong năm nhà khoa học được trông đợi của năm 2019. Tàu được điều hướng bởi Ritu Karidhal, người đã giúp dẫn dắt tàu vũ trụ sao Hỏa của Ấn Độ vào năm 2014.
Cùng với Chandrayaan-2, Ấn Độ cho biết họ đặt mục tiêu đưa ba phi hành gia lên vũ trụ vào năm 2022.