Suốt 3 ngày, Goldi Petal, 25 tuổi, chạy từ bệnh viện này tới bệnh viện khác giữa mùa hè oi nóng ở New Delhi để tìm nơi có thể tiếp nhận chồng mình.
4 bệnh viện từ chối, cuối cùng Patel, người phụ nữ đang mang thai 7 tháng, cũng tìm được một bệnh viện có thể tiếp nhận chồng cô. Tuy nhiên, điều kiện chăm sóc tại Sardar Petal, bệnh viện dã chiến ở ngoại ô thủ đô New Delhi, lại vô cùng thiếu thốn tới mức ngay chính chồng cô cũng muốn xin được đi nơi khác.
Ở Ấn Độ, các bệnh nhân COVID-19 phải tìm đủ mọi cách để được tiếp nhận vào các bệnh viện vốn đã quá tải, nhưng khi đã nhập viện, một số người còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác. (Ảnh: Reuters)
Xung quanh Sadanand Patel, 30 tuổi, mọi người đều đang chết dần. Anh gần như không được gặp bác sỹ và thuốc men ở đây cũng rất hạn chế. Với 80% phổi đã bị ảnh hưởng, Sadanand Patel lo sợ về những gì có thể xảy ra nếu anh rơi vào tình trạng tệ hơn.
“Tôi rất sợ. Nếu sức khỏe của tôi trở nặng, tôi không nghĩ họ có thể cứu tôi”, Sadanand nói từ trên giường bệnh hôm 1/5.
Khi dịch COVID-19 lây lan mạnh tại Ấn Độ, hệ thống y tế đã phải căng mình chống đỡ. Từ giường bệnh, oxy, cho tới nhân viên y tế đều thiếu thốn trầm trọng. Một số bệnh nhân COVID-19 đã tử vong trong phòng chờ hoặc thậm chí bên ngoài các bệnh viện đã quá tải trước khi họ được gặp bác sỹ.
Chỉ một số bệnh nhân COVID-19 có thể xoay sở để được tiếp nhận vào các bệnh viện đã quá tải ở Ấn Độ. Nhưng khi đã nhập viện, một số người còn phải đối mặt với điều khủng khiếp khác: thiếu các trang thiết bị y tế cần thiết, trong khi các thi thể của bệnh nhân khác nằm hàng giờ bên cạnh.
Chạy đua với thời gian
Tháng 2/2021, các quan chức đã yêu cầu đóng cửa Bệnh viện dã chiến Sardar Patel vì cho rằng Ấn Độ đã kiểm soát được dịch COVID-19. Bệnh viện này được mở trở lại từ hôm 26/4.
Sadanand được tiếp nhận ngay sau hôm bệnh viện mở cửa trở lại. Khi Goldi tới thăm chồng mình vài ngày sau đó, cơ sở này đã rất đông đúc.
Trong các buồng bệnh, một số bệnh nhân nằm trên chiếc giường được làm từ bìa các tông. Có rất ít thuốc men. Sadanand nói rằng anh chỉ gặp bác sỹ 1 hay 2 lần trong 3 ngày kể từ khi được tiếp nhận.
Đến hôm 1/5, ngày thứ 5 ở trong bệnh viện, ít nhất 5 người xung quanh Sadanand đã tử vong. Một thi thể bệnh nhân nằm ở giường ngay bên cạnh suốt nhiều giờ liền mới được đưa đi.
Hệ thống y tế Ấn Độ đang đã phải căng mình chống đỡ "cơn sóng thần" COVID-19. (Ảnh: CNN)
Bộ Y tế Ấn Độ tháng trước tuyên bố sẽ nhanh chóng mở rộng cơ sở này lên 2.000 giường bệnh và đảm bảo nguồn oxy. Khoảng 40 bác sỹ và 120 nhân viên hỗ trợ đã sẵn sàng được triển khai tới trung tâm này.
Tuy nhiên, “mọi thứ cứ như muối bỏ biển”, Sadanand nói.
Các bác sỹ không thường xuyên kiểm tra bệnh nhân. Sadanand lo ngại nếu anh cần được theo dõi, anh sẽ quá yếu và không thể gọi bác sỹ. Khi trò chuyện cùng một bệnh nhân nằm gần mình, người này thậm chí còn khuyên Sadanand nên rời khỏi đây nếu cảm thấy đỡ hơn một chút.
Sarita Saxena cũng có trải nhiệm tương tự như gia đinh Patel. Saxena nói với CNN rằng, anh rể cô được đưa vào bệnh viện dã chiến sau khi bị ít nhất 7 bệnh viện khác từ chối. Thiếu bác sỹ, nên thường cũng chỉ có người nhà hoặc bạn bè chăm sóc người bệnh, dù họ biết rõ mình có nguy cơ mắc COVID-19.
Sadanand nói rằng anh rất sợ và liên tục xin bác sỹ, thậm chí cả vợ mình hãy chuyển mình tới bệnh viện khác. Nhưng chẳng còn nơi nào có thể tiếp nhận.
“Tôi đã cố giải thích rằng, nếu ở đây, ít nhất anh ấy vẫn có thể nhận được oxy y tế”, Goldi nói.
Phải có oxy dự trữ mới được nhập viện
Lala Lajpat Rai (LLRM), một bệnh viện ở thành phố Meerut, bang Uttar Pradesh cũng đang quá tải vì bệnh nhân.
Mọi người nằm khắp nơi, trên cáng, trên bàn, thậm chí trên sàn nhà. Có khoảng 55 giường bệnh cho 100 bệnh nhân, nhưng chỉ có 5 bác sỹ.
Bệnh viện dã chiến Sardar Petal. (Ảnh: CNN)
Kavita, người phụ nữ 32 tuổi, là mẹ của 2 đứa con nhỏ. Cô đã nằm trên sàn bệnh viện suốt 4 ngày, và không có oxy để thở. Xung quanh cô, đã có 20 người tử vong.
Oxy y tế trở thành hàng hiếm ở Ấn Độ khi số ca COVID-19 ở nước này đã vượt mốc 2,5 triệu ca trong tuần trước.
Một số bệnh viện đã phải đăng tải thông điệp SOS trên các trang mạng xã hội để cầu xin oxy cho bệnh nhân.
Người nhà bệnh nhân xếp hàng chờ tới hàng giờ đồng hồ tại các trung tâm nạp oxy.
Một số bệnh viện cảnh báo bệnh nhân nếu muốn được nhập viện điều trị, họ phải có nguồn oxy của riêng mình.
“Chúng tôi giờ đây phải nói với các bệnh nhân rằng nếu muốn được tiếp nhận, họ phải tự xoay sở nguồn oxy dự trữ trong trường hợp khẩn cấp”, một bác sỹ tại bệnh viện Panchsheel tại New Delhi cho biết hôm 1/5.
Thiếu thuốc điều trị COVID-19
Dù Goldi Patel yên tâm phần nào khi chồng cô đang được nhận oxy y tế, nhưng cô vẫn lo ngại về điều kiện chung, nhất là không có thuốc điều trị. Kết quả chụp CT cho thấy, phổi của chồng cô đã bị tổn thương 80%.
Bất cứ khi nào ngồi dậy, Sadanand đều ho dữ hội và đau nhói trong lồng ngực. Ở bệnh viện, anh được cung cấp đồ ăn, nước, oxy nhưng lại rất ít thuốc. Bệnh viện chỉ cho Sadanand dùng thuốc kháng khuẩn sau khi vợ anh dọa sẽ tự sát.
“Ngoài oxy, thuốc điều trị cũng rât cần thiết. Bạn không thể sống với hy vọng rằng nếu có đủ oxy y tế thì bạn sẽ ổn”, Sadanand nói.
Bác sỹ Chandrasekhar Singha tại bệnh viện nhi đồng Madhukar Rainbow ở New Delhi nói rằng, khi phổi đã tổn thương 80%, thì bệnh nhân cần đươc điều trị với thuốc kháng virus, kháng khuẩn, steroids chứ không phải chỉ mỗi oxy.
Theo bác sỹ Singha, có thêm oxy chỉ kéo dài thêm thời gian, và khi phổi đã tổn thương 80%, bệnh nhân trông đã rất tệ.
Cứ mỗi 2-3 giờ, Goldi lại gọi điện cho chồng. Họ nói chuyện vài phút trước khi hơi thở của Sadanand lại trở nên khó nhọc.
“Mọi thứ thật nguy hiểm. Tôi không thể để anh ấy nói quá nhiều. Suốt cả ngày, lúc nào tôi cũng cảm thấy căng thẳng”, Goldi nói.
Goldi sợ cho chính bản thân mình. Cô đang mang thai 7 tháng và không biết liệu mình có mắc COVID-19 hay không. Cô không có triệu chứng nào, nhưng cũng không làm xét nghiệm. Phí xét nghiệm là 900 rupee (12USD), nhưng cô cần tiết kiệm số tiền đó để điều trị cho chồng mình.