Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mạng xã hội cứu sống người mắc COVID-19 ở Ấn Độ

(VTC News) -

Trong bối cảnh hệ thống y tế Ấn Độ điêu đứng trước làn sóng COVID-19 thứ hai, các trang mạng xã hội trở thành cứu cánh cho những người cần giúp đỡ trong đại dịch.

Giữa tháng 4, cô Rajni Gill, một bác sĩ phụ khoa ở thành phố Noida, trở thành một trong những người mắc COVID-19 giữa làn sóng đại dịch thứ hai tại Ấn Độ. Căn bệnh chuyển biến nặng chỉ trong vài ngày, tình trạng của cô cần được điều trị huyết tương gấp. Nhưng dù gia đình Gill đã nhờ đến mọi mối quan hệ có thể trong tuyệt vọng, họ vẫn không thể tìm được nguồn huyết tương. Sau đó, chị gái cô quyết định lên mạng xã hội Twitter xin giúp đỡ.

Cô Rajni Gill, một bác sĩ phụ khoa ở thành phố Noida, Ấn Độ, bị mắc COVID-19. (Ảnh: Jagsir Singh)

Thông điệp này tình cờ lướt qua điện thoại của ông Srinivas BV, chính trị gia ở New Delhi đang bảo quản huyết tương của một sinh viên đại học. Ông quyết định giả danh làm người hiến máu tình nguyện đến hiến huyết tương cho cô Gill.

Những gì mà tôi và nhóm của tôi làm chỉ là một giọt nước trong đại dương, nhưng dù sao cũng đóng góp được thêm một chút”, ông Srinivas hiện đang điều hành một nhóm khoảng 1000 tình nguyện viên.

Hiện hệ thống y tế trên toàn Ấn Độ đang điêu đứng trước làn sóng COVID-19 mới, mỗi ngày nước này có hàng trăm nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn người chết vì dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, người thân và bạn bè của những người mắc COVID-19 phải tìm mọi cách để tìm kiếm sự giúp đỡ. Đáng ngạc nhiên là rất nhiều lời kêu gọi trên các trang mạng xã hội đang được đáp lại.

Mỗi ngày, Ấn Độ có hàng trăm nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn người chết vì dịch bệnh. (Ảnh: The New York Times)

Người tốt trên mạng xã hội

Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, ông Srinivas BV 38 tuổi, chủ tịch liên đoàn thanh niên của đảng Quốc đại Ấn Độ, đã triệu tập các tình nguyện viên trẻ trên khắp đất nước để giúp đỡ những người khó khăn. Hiện ông đứng đầu một nhóm khoảng 1.000 tình nguyện viên, trong đó có 100 người đang ở tâm dịch New Delhi.

Trong đợt dịch mới, nhóm của ông Srinivas để ý thấy những lời kêu cứu trên Twitter và Facebook lan truyền “như cháy rừng”. Vì vậy, Srinivas đã tạo hashtag #SOSIYC trên các trang mạng xã hội này để mọi người có thể kết nối với tổ chức tình nguyện của ông. Đồng thời, nhóm của ông Srinivas cũng quảng cáo trực tuyến cho các nhà tài trợ huyết tương và nhờ các nhà tâm lý học tư vấn thủ tục cho người hiến tặng.

"Tôi không thể tin rằng mình được có mặt ở đây, vào thời điểm này, để nỗ lực giúp đỡ rất nhiều người”, chính trị gia Srinivas chia sẻ.

Ông Srinivas BV (thứ ba từ phải sang) cùng với một số tình nguyện viên tại New Dehil. (Ảnh: Srinivas BV)

Những gia đình có người mắc COVID-19 đang lên mạng xin được hỗ trợ thuốc men, máy thở, thậm chí là oxy y tế, thứ gần như không thể tìm thấy ở thủ đô New Delhi. Những thông điệp đó được tiếp nhận bởi các kỹ sư công nghệ, luật sư, công nhân, chính trị gia, bác sĩ,… ngay cả người lái xe cũng sẵn sàng góp sức. Cùng nhau, họ hình thành nên mạng lưới hỗ trợ người dân Ấn Độ ở những nơi mà chính quyền các bang và quốc gia chưa thể chạm tới.

Các mạng lưới hỗ trợ trực tuyến ở Ấn Độ chủ yếu dựa vào phương tiện thường được dùng trong tiếp thị và những hình thức nhắn tin khác trên mạng xã hội. Gia đình cần giúp đỡ có thể gắn thẻ những người có chuyên môn hoặc có tầm ảnh hưởng để lan truyền thông điệp của họ, còn các nhà tình nguyện sẽ sử dụng từ khóa để lọc yêu cầu.

Anh Praveen Mishra, 20 tuổi, đang điều hành một tổ chức tình nguyện tại thành phố phía Nam Bangalore, Ấn Độ. Anh sử dụng mạng xã hội, kết hợp với các mối quan hệ riêng, để tìm kiếm giường bệnh, oxy và thiết bị y tế nhằm hỗ trợ cộng đồng trong đại dịch.

Lúc đầu tôi rất sợ rằng có quá nhiều người cần giúp và tôi sẽ không làm được gì. Hiện tôi có thể gọi cho 20 đối tượng tiềm năng mỗi ngày để xác minh nhu cầu của họ", anh Mishra nói.

Một số nhà tình nguyện khác đang khai thác tài nguyên trên khắp thế giới. Ông Nikhil Jois, giám đốc điều hành công ty công nghệ ở Bangalore, và nhóm của ông đã liên lạc với các tổ chức từ thiện quốc tế cung cấp oxy, thực phẩm cùng giấy vệ sinh. Qua trao đổi, ông tìm được 10 tổ chức có thể gửi thiết bị và sản phẩm hỗ trợ.

Ông Nikhil Jois điều hành một nhóm tình nguyện ở Bangalore, Ấn Độ. (Ảnh: Nikhil Jois)

Món quà được ban tặng

Anh Aditya Jain, người dân tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, không thể chăm sóc chú dì của mình ở Agra vì các hạn chế chống dịch. Dì của anh mắc bệnh về cột sống, còn chú của anh phải chạy thận hàng tuần vì bệnh tiểu đường. Hai người đã lớn tuổi và chống chọi với bệnh tật trong thời gian phong tỏa, họ không thể tự chăm sóc bản thân.

Aditya Jain chỉ có thể bất lực đăng tải vô số yêu cầu giúp đỡ trên các mạng xã hội Twitter và LinkedIn. Nhờ đó, anh ấy tìm thấy một tổ chức chăm sóc người cao niên. Chỉ một ngày sau khi Jain điền vào biểu mẫu đăng ký, các tình nguyện viên xuất hiện trước cửa nhà chú dì anh cùng bữa sáng và tã lót cho người lớn.

Mạng xã hội giống như một món quà được ban tặng cho chúng tôi”, anh Jain từng mất người thân vì COVID-19, vì vậy sự giúp đỡ này vô cùng quý giá với với anh.

Trong thời điểm người dân Ấn Độ không thể di chuyển do các hạn chế vì COVID-19, mạng xã hội là cách duy nhất để một số người tìm kiếm sự giúp đỡ.

Ông Srinivas BV cho biết nhóm tình nguyện của ông nhận được ít nhất 10.000 tin nhắn trên Twitter mỗi ngày. Cứ mỗi 100 yêu cầu, ông thường có thể giúp đỡ từ 30 đến 40 người.

Hệ thống y tế Ấn Độ điêu đứng trước làn sóng COVID-19 thứ hai. (Ảnh: The New York Times)

Lòng tin giữa những người lạ

Sau khi nhận được huyết tương từ ông Srinivas, cô Rajni Gill qua cơn nguy kịch và đang hồi phục sức khỏe tại bệnh viện ở ngoại ô New Delhi.

Tôi cảm thấy rất xúc động. Vượt qua được khoảng thời gian nguy hiểm như vậy, tôi nhận ra mình đã được giúp đỡ một cách đầy vị tha bởi những người hoàn toàn xa lạ", cô chia sẻ.

Gần đây, Gill đã gọi điện cho ông Srinivas để cảm ơn sự giúp đỡ của ông.

"Tôi rất nhẹ nhõm vì cô ấy đã vượt qua được", ông Srinivas nói.

Một tình nguyện viên đang dạy người xin hỗ trợ cách sử dụng bình oxy. (Ảnh: Srinivas BV)

Nhà tình nguyện Nikhil Jois cũng chia sẻ: “Điều tốt đẹp nhất trên mạng xã hội là bạn có thể tin tưởng những người lạ”.

Trần Trang

Tin mới