Ngôi sao châu Âu
Không phải ngẫu nhiên mà theo lời kể của nhà báo Nguyễn Minh Tuấn của Tạp chí Bóng đá - người từng là học trò cưng của cố HLV Alfred Riedl, chiến lược gia người Áo hiện lên trong mắt các cầu thủ Việt Nam với một bóng dáng đầy đẳng cấp.
“Tôi vẫn nhớ trong buổi tập đầu tiên mà mình được dự với tư cách là học trò của Riedl, ông nói với chúng tôi: Tôi sẽ đá 3 quả vào cầu môn. Nếu tôi không đá được 2 quả trúng xà thì đội sẽ được nghỉ tập. Ông Riedl sút 2 quả trúng xà ở ngay 2 lượt đầu tiên. Chúng tôi chỉ còn biết thốt lên: Chân ông quá hay, quá khéo, quá tuyệt vời!”, nhà báo Minh Tuấn hồi tưởng.
Alfred Riedl từng giành Chiếc giày Đồng châu Âu năm 1975.
Quả thực, xét về sự nghiệp quần đùi áo số, Alfred Riedl là người nổi bật nhất trong 9 HLV ngoại đã và đang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. 18 năm chơi bóng đỉnh cao tại Áo, Bỉ,.. ông Riedl đã 2 lần vô địch quốc gia Áo (1969, 1970). Xét về cá nhân, ông 3 lần giành Vua phá lưới giải VĐQG Áo và Bỉ (1972, 1973 và 1975). Thậm chí vào năm 1975, chiến lược gia người Áo còn giành danh hiệu Chiếc Giày Đồng châu Âu.
Trong cuốn tự truyện của mình, HLV lão luyện Louis van Gaal từng thừa nhận mình không thể cạnh tranh được vị trí chính thức với Alfred Riedl: “Chuyển sang Antwerp thi đấu là một trải nghiệm buồn vui lẫn lộn đối với tôi”, Van Gaal viết trong tự truyện. “Lúc đấy, Antwerp đã ký hợp đồng với 4 cầu thủ nước ngoài, trong đó có tôi.
Nhưng chỉ có 3 người có thể ra sân cùng lúc. Khi ấy, HLV Guy Thys đã nói rằng: Tôi phải lựa chọn giữa bốn ngoại binh Flemming Lund, Karl Kodat, Alfred Riedl và Van Gaal. Tôi thường chọn 3 người đầu tiên. Và Van Gaal là người dự bị”.
Một câu chuyện khác. Theo thống kê của Wiki, Alfred Riedl ghi tổng cộng 210 bàn sau 417 trận chơi cho 8 CLB. Nhưng thống kê của CLB Austria Wien xác nhận trong thời gian ông chơi cho CLB này và giành 2 chức vô địch Áo, tổng số bàn thắng của Riedl lên tới 102 bàn, thay vì 58 bàn. Như vậy, Riedl đã ghi tới 254 bàn trong sự nghiệp - tức là nhiều hơn cả huyền thoại người Pháp Michel Platini (224 bàn).
Một nhà báo của Việt Nam đã đưa thông tin đó cho ông Riedl trong một cuộc gặp mặt hơn chục năm về trước. Ông Riedl sửng sốt rồi kiểm tra lại nguồn rồi ghi lại. Bẵng một lúc, ông nói: “Platini là cầu thủ vĩ đại lắm, tôi không thể so sánh".
Cái gật đầu đến Việt Nam
Nguyên Tổng Thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn - người là cầu nối đưa HLV Riedl đến Việt Nam vào năm 1998 chia sẻ với báo giới Việt Nam về kỷ niệm đáng nhớ cách đây 22 năm.
Ông nói: “Sau SEA Games 1997 ở Indonesia với chiếc huy chương đồng, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lúc ấy là Colin Murphy (người Anh) xin trở về nước. Đến tháng 2, tháng 3 năm sau, ông Murphy vẫn không trở lại Việt Nam. Sau đó chiến lược gia này mới báo với VFF là bận lý do gia đình nên không trở lại được.
Lúc ấy chúng ta rất cần một HLV ngoại khác dẫn đội. VFF tìm đến rất nhiều hồ sơ, lý lịch của các ứng viên. Rồi sau đó, tôi ấn tượng nhất với Alfred Riedl, người có bản lý lịch của một HLV từng là cầu thủ rất giỏi, đá ở Áo, Bỉ, giành Chiếc Giầy Đồng châu Âu và đã có kinh nghiệm huấn luyện”.
HLV Riedl đến Việt Nam năm 1998.
Ông Viễn cho biết VFF lúc ấy rất thích Riedl và cố gắng thuyết phục chiến lược gia người Áo đồng ý đến Việt Nam. Vốn là người thích phiêu lưu, tìm kiếm sự trải nghiệm, ông Riedl sau sự tư vấn của nhà môi giới đã nói chuyện với ông Phạm Ngọc Viễn. Ông Riedl còn nói rằng: “Tôi chưa biết ông (ông Phạm Ngọc Viễn - PV), nhưng muốn xin ông lời khuyên về bóng đá Việt Nam".
Ông Phạm Ngọc Viễn khẳng định bóng đá là môn thể thao số 1 tại Việt Nam. Từ lãnh đạo tới người dân đều rất yêu bóng đá nhưng trình độ của đội chưa cao. Ông Viễn cũng cam kết VFF sẽ hỗ trợ mọi thứ cho HLV Riedl. Điều ấy trở thành chất xúc tác để ông Riedl gật đầu tới Việt Nam. Để rồi trong lịch sử bóng đá nước nhà, ông Riedl trở thành một tượng đài, một biểu tượng của những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.