Thực tế trước đó Hoàng Đức từng nhận được đề nghị từ phía một số đội bóng nước ngoài, nhưng Viettel từ chối. Quyết định của Viettel không khó hiểu bởi Hoàng Đức đang có vị trí quan trọng ở đội bóng, đặc biệt sau khi họ chia tay nhiều ngôi sao như Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải…Mất Hoàng Đức chắc chắn ảnh hưởng tới sức mạnh của Viettel.
Dĩ nhiên, Hoàng Đức có nhiều lý do để mong được khoác áo một đội bóng nước ngoài. Đấy là cơ hội để anh nâng cao chuyên môn và danh tiếng, thu nhập. Ở khía cạnh này, rất dễ để cho rằng Hoàng Đức xuất ngoại tốt cho bóng đá Việt Nam và cả ĐTQG, vốn đang do HLV Park Hang Seo dẫn dắt.
Hoàng Đức cùng các đồng đội nhận thưởng tại CLB chủ quản Viettel sau tấm HCV SEA Games 31.
Tuy nhiên ở mức độ lớn hơn, hoàn toàn có thể tin rằng bóng đá Việt Nam chỉ có thể phát triển lành mạnh, bền vững khi lợi ích các CLB được tôn trọng, đảm bảo theo luật. Nếu không có sự đầu tư của Viettel, HAGL, CLB Hà Nội cũng như các đội bóng khác, bóng đá Việt Nam không thể có Hoàng Đức, Công Phượng, Tuấn Anh hay Quang Hải, Duy Mạnh…
Cách tiếp cận đúng cho trường hợp của Hoàng Đức là hãy để tương lai của anh được quyết định bởi một thỏa thuận có sự thống nhất của Hoàng Đức và đội bóng chủ quản. Giữa các CLB và cầu thủ, và cả người đại diện các cầu thủ (nếu có) luôn tồn tại các mối quan hệ hợp tác hoặc mâu thuẫn về lợi ích với nhau. Quá trình này thúc đẩy sự phát triển của bóng đá.
HLV Park Hang Seo từng bày tỏ nỗi lo lắng khi Quang Hải, Đoàn Văn Hậu xuất ngoại bởi nếu vắng các cầu thủ này, đội tuyển của ông sẽ ảnh hưởng. Nhà cầm quân người Hàn Quốc chắc chắn sẽ hiểu và chia sẻ với những nỗi lo chuyên môn của HLV Trương Việt Hoàng khi nắm Viettel.
Không phải ngẫu nhiên, người ta tin rằng thay vì đưa ra một kiến nghị thông qua người thứ 3, HLV Park Hang Seo và có thể cả công ty do người đại diện Lee Dong Jun của ông đứng đầu hoàn toàn có thể giúp Hoàng Đức bằng cách đưa ra một đề nghị “khó chối từ” với Viettel.