Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ai đang vận hành Trạm Vũ trụ quốc tế ISS?

(VTC News) -

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là dự án không gian phức tạp và tốn kém nhất lịch sử hàng không thế giới, với sự tham gia của 14 quốc gia.

Theo Russia Beyond, 14 quốc gia đang tham gia vào dự án Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Hơn 20 năm hoạt động của nó tiêu tốn đến 160 tỷ USD, đây cũng là chương trình nghiên cứu không gian tốn kém nhất lịch sử nhân loại.

Sau hai thập kỷ, ISS vẫn hoạt động ổn định trên quỹ đạo Trái Đất nhưng các nhà khoa học vẫn quyết định kết thúc sứ mệnh của trạm vũ trụ này vào năm 2028. Điều này cũng tạo ra nhiều tranh cãi bởi các nước tham gia dự án đưa ra những lộ trình khác nhau đối với tương lai của ISS.

Trạm vũ trụ quốc tế ISS. (Ảnh: NASA)

Trạm vũ trụ quốc tế thuộc về ai?

Giống như tên gọi của nó, Trạm Vũ trụ quốc tế ISS được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa nhiều quốc gia, gồm: Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada và các quốc gia thành viên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu như Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và Thụy Điển.

Các modul trạm đầu tiên do Mỹ và Nga xây dựng. ISS tiếp tục được lắp ráp thêm các modul mới trong suốt 20 năm sau đó. Hầu hết hoạt động trên trạm vũ trụ đều do các phi hành gia của Mỹ và Nga thực hiện.

Tính đến thời điểm hiện tại, ISS tổng cộng 15 modul chính, 6 modul trong đó thuộc về Nga, 7 modul của Mỹ, một của châu Âu và một cái khác của Nhật Bản. Việc sử dụng các modul được phân chia theo cùng một cách, Nga sử dụng các modul của riêng mình, trong khi phần còn lại của trạm vũ trụ theo thỏa thuận của các bên liên quan sẽ được các nước sử dụng chung nhưng vẫn có sự phân định rõ ràng.

Trạm vũ trụ ISS khi bay qua biển Địa Trung Hải. (Ảnh: NASA)

Tuy được phân chia rõ ràng nhưng việc quản lý các modul trên ISS lại không hề đơn giản bởi sự chồng chéo giữa các bên trong giai đoạn đầu phát triển trạm. Điển hình như modul 'Zarya' của Nga – đây là modul đầu tiên được phóng lên quỹ đạo nhưng lại do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đặt hàng và đứng sau chi ngân sách chế tạo. Trên lý thuyết nó là tài sản của nước Mỹ, nhưng Nga vẫn có quyền vận hành Zarya.

Hơn nữa, sau khi chương trình Tàu vũ trụ con thoi của NASA chấm dứt vào năm 2011, người Mỹ và các phi hành gia từ các nước đối tác của NASA hầu như chỉ có thể di chuyển lên ISS trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Trong 9 năm, Nga gần như độc quyền trong việc đưa các phi hành gia lên ISS hoặc các sứ mệnh không gian khác.

Ai đang vận hành ISS?

Cơ chế ra quyết định cho các hoạt động trên ISS được quy định trong các thỏa thuận được biết đến với tên gọi là 'Biên bản ghi nhớ' (MOU). Nguyên tắc chính được đề ra trong MOU đó là các quyết định phải được thực hiện trên cơ sở nhất trí giữa các nước tham gia vào dự án.

Tuy nhiên, điều này lại làm nảy sinh một vấn đề khác là nếu muốn thông qua một hoạt động nào đó trên ISS thì cần phải triệu tập cuộc họp quốc tế. Vì vậy, MOU chỉ định trực tiếp NASA là đại diện quản lý các hoạt động trên trạm.

Phi hành gia người Mỹ Thomas Marshburn đi bộ ngoài không gian trong một hoạt động nghiên cứu trên trạm ISS. (Ảnh: NASA)

Việc quản lý ISS (giữa các modul) được phân chia cho từng quốc gia thành viên. Ví dụ hệ thống phận điều khiển chính, phòng điều hành bay của cả trạm được đặt tại trung tâm vũ trụ Lyndon B. Johnson ở Texas (Mỹ).

Trên ISS, cũng có một chỉ huy đại diện các phi hành gia chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cũng như hoạt động của trạm cũng như phi hành đoàn trước mọi tình huống. Người chỉ huy cũng sẽ phải thực hiện việc trao đổi thông tin với trung tâm mặt đất về tình hình của ISS.

Ai trả tiền cho ISS hoạt động?

Trạm vũ trụ quốc tế ISS không có ngân sách duy nhất và được vận hành bởi sự đóng góp hàng năm của các nước tham gia dự án. Hơn nữa, một phần của các khoản đóng góp được trả không phải bằng tiền mà bằng hình thức đổi hàng - dịch vụ, trao đổi thiết bị…

Tuy nhiên, mức chi tiêu gần đúng của mỗi bên có thể được tính toán. Nếu dựa trên cách tính này thì Mỹ là quốc gia chi trả hầu hết chi phí cho ISS. Trong 160 tỷ USD được sử dụng cho các sứ mệnh trên ISS thì Mỹ chi tới 100 tỷ USD, theo đó mỗi năm NASA phải bỏ ra từ 3-4 tỷ USD để vận hành trạm. Con số này của châu Âu chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm và Nga là 500 triệu USD/năm.

Trà Khánh

Tin mới