Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

90% người nghèo không được tiêm phòng vaccine COVID-19 vào năm 2021

(VTC News) -

Có thật là người dân ở các nước giàu trên thế giới được tiêm vaccine COVID-19 3 lần? Sau đây là 3 thông tin được Hãng truyền thông Deutsche Welle của Đức kiểm chứng.

Theo ước tính, 9/10 người dân ở các nước nghèo sẽ không được tiêm phòng COVID-19 trong năm 2021 do các nước giàu đã mua phần lớn số lượng vaccine trên toàn thế giới. Đó là thống kê mới đây của Liên minh toàn cầu về Vắc xin, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Oxfam và Phong trào phát triển toàn cầu Global Justice Now. Thông tin này đang là trung tâm thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Các doanh nghiệp sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới như AstraZeneca, BioNTech-Pfizer và Moderna dự đoán trong năm tới sẽ sản xuất 5.3 tỷ liều vaccine COVID-19. Nhưng trên thực tế, vaccine chỉ có hiệu quả khi được tiêm 2 mũi nên số lượng vaccine nêu trên chỉ có thể cung cấp đủ cho 1/3 dân số toàn cầu. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu có sự bất bình đẳng trong việc phân chia vaccine giữa các quốc gia không?

Khi nào vaccine COVID-19 mới đến tay những người dân khu ổ chuột ở Rio de Janeiro?

Vấn đề thứ nhất, các nước phương Tây đã mua đủ lượng vaccine COVID-19 để người dân của họ có thể tiêm phòng nhiều lần? Thông tin này đang gây hiểu nhầm.

Nhóm các nước giàu chỉ chiếm 14% dân số thế giới nhưng lại đang sở hữu và đặt mua trước 53% các loại vaccine COVID-19 được cho là hiệu quả nhất. Do đó, người dân ở những nước này có thể được tiêm phòng tới 3 lần, thành viên của Liên minh toàn cầu về vaccine cho hay.

Nhưng thông tin này đang gây hiểu nhầm bởi vì không phải tất cả các loại vaccine tiềm năng đều sẽ vượt qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng và được đưa vào sử dụng. Trên thực tế, những vaccine mà chính phủ các nước đặt mua đều đang được thử nghiệm và chưa được kiểm chứng độ tin cậy cũng như độ an toàn khi sử dụng. Không phải công ty nào cũng sản xuất vaccine đủ hiệu quả và được các cơ quan chức năng phê duyệt.

Đại dịch COVID-19 cũng đang làm gia tăng tình trạng đói nghèo ở các nước giàu có như Hà Lan

Ví dụ, Canada đã đặt mua lượng vaccine COVID-19 đủ để mỗi người dân nước này có thể tiêm phòng 5 lần. Theo thông tin từ chính phủ Canada, nước này dự trữ được 414 triệu liều vaccine từ 7 công ty dược phẩm khác nhau, trong khi dân số nước này là 37.6 triệu người.

Nhưng đại diện chính phủ Canada cũng thông tin thêm:"Tất cả các loại vaccine đều đang phải trải qua các cuộc thử nghiệm cận lâm sàng và lâm sàng". Bộ Y tế sẽ xem xét tính an toàn và hiệu quả của từng loại vaccine để quyết định liệu vắc xin đó có thể được sử dụng ở Canada hay không.

Đơn đặt hàng lớn nhất của Canada là 76 triệu liều vaccine từ 3 công ty sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Vì vậy, mỗi người dân nước này sẽ được tiêm đủ 2 mũi dù chỉ một trong ba loại vaccine được kiểm chứng và đưa ra thị trường.

Theo báo cáo, Canada đang đàm phán để tặng các loại vaccine tiềm năng dư thừa cho Sáng kiến ​​COVAX.

Vấn đề thứ hai, người dân ở các nước nghèo có thể không được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19? Thông tin này hoàn toàn chính xác.

Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke cho biết: "Dựa theo dữ liệu thực tế, ước tính sẽ không có đủ vaccine cho toàn bộ dân số thế giới cho tới năm 2023 hoặc 2024". Bà Anna Marriott, Giám đốc điều hành Chính sách Y tế của Oxfam cũng xác nhận điều này: "Nếu không có gì thay đổi, hàng tỷ người trên thế giới sẽ không được tiếp cận với vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả trong những năm tới".

Mối lo ngại đặt ra là các nước nghèo sẽ không có đủ tài chính để mua vaccine cho người dân.

Đây là thời điểm Chương trình COVAX phải vào cuộc. Sáng kiến COVAX được thực hiện bởi Liên minh vaccine toàn cầu Gavi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Ðổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI). Mục tiêu của sáng kiến là thúc đẩy việc phát triển và sản xuất vaccine COVID-19 cũng như đảm bảo tất cả người dân trên thế giới sẽ có cơ hội tiếp cận với vaccine ngang nhau.

Chương trình COVAX giúp các quốc gia nhận được các loại vaccine từ nhiều công ty dược phẩm khác nhau. Ngoài ra, các quốc gia có thu nhập cao sẽ tài trợ vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Liên minh châu Âu đã cam kết hỗ trợ 500 triệu Euro cho COVAX và thông qua Chương trình COVAX, 92 quốc gia sẽ được mua vaccine với giá rẻ.

Cho tới cuối năm 2021, COVAX cam kết sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho người dân. Theo Liên minh vaccine toàn cầu Gavi, số vắc xin này sẽ đủ để tiêm phòng cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao và các nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19.

Các quốc gia không có khả năng tài chính để cung cấp vaccine cho toàn dân cần lên kế hoạch tích trữ huyết thanh miễn dịch đủ để tiêm phòng cho 1/5 dân số cả nước. Trong khi đó, các quốc gia đủ khả năng mua vaccine có thể tích trữ lượng huyết thanh miễn dịch khác nhau tùy theo nhu cầu.

Công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã tuyên bố với công chúng sẽ cung cấp vaccine cho COVAX. Các nhà phát triển của AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) cũng cam kết cung cấp 64% lượng vaccine cho các nước đang phát triển. Vì vậy người dân ở các nước nghèo sẽ có cơ hội được tiêm vaccine nhưng quá trình triển khai dự án này có thể mất nhiều năm.

Vấn đề thứ ba, các công ty sản xuất vaccine có đặt lợi nhuận lên trước mạng sống của cộng đồng không? Điều này chưa được kiểm chứng.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc liệu các công ty sản xuất vaccine chỉ muốn "thu lợi nhuận“ hay họ thực sự muốn cải thiện tình hình đại dịch hiện nay? Các công ty có quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Liên minh toàn cầu về vắc xin đã nêu rõ yêu cầu đối với các nhà sản xuất: "Tất cả các loại vaccine, phương pháp điều trị và các cuộc thử nghiệm không được bảo hộ độc quyền sáng chế. Chúng phải được chia sẻ như món hàng công cộng toàn cầu và được phân phối đều cũng như cung cấp miễn phí cho tất cả các quốc gia và người dân".

Yêu cầu này giúp các hãng dược phẩm và viện nghiên cứu công bố và chia sẻ tài sản trí tuệ của họ để có thể sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả ở mọi nơi trên thế giới mà không cần đóng phí đăng ký sáng chế.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết, mặc dù công ty dược phẩm AstraZeneca đã cam kết sẽ không tranh thủ "trục lợi“ trong thời kỳ đại dịch toàn cầu nhưng có khả năng công ty này vẫn sẽ tăng giá vaccine vào tháng 7 năm sau.

Giám đốc điều hành Công ty AstraZeneca, Ngài Pascal Soriot cho biết họ luôn đặt mạng sống và sinh kế của người dân lên trước lợi nhuận. Công ty dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson cũng đã tuyên bố sẽ không "trục lợi“ từ việc sản xuất vaccine.

Tuy nhiên công ty dược phẩm Pfizer lại có quan điểm đối lập. Theo tờ Guardian, Pfizer đã từ chối nhận hỗ trợ của chính phủ Mỹ và tự trích từ ngân sách gần 2 tỷ USD (tương đương 1,6 tỷ Euro) để phát triển vaccine với công ty BioNTech của Đức.

Ngài Damien Conover, Giám đốc Nghiên cứu Cổ phiếu chăm sóc sức khỏe của Công ty dịch vụ tài chính Morningstar cho biết: "Vì lý do này, chúng tôi sẽ buộc phải thu lợi từ việc sản xuất vaccine nhưng tỷ suất lợi nhuận sẽ khác so với các sản phẩm thông thường của Pfizer“.

Nguồn: DW

Tin mới