Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

86% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bị tấn công mạng, mất thông tin khách hàng

(VTC News) -

Nghiên cứu mới đây của Cisco cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam đang bị lộ thông tin, bị tấn công và có nhiều mối đe dọa an ninh mạng.

Theo kết quả nghiên cứu, 59% DNVVN tại Việt Nam gặp sự cố mạng trong năm qua. Hậu quả của những sự cố này là 86% số doanh nghiệp bị mất thông tin khách hàng vào tay của những kẻ xấu. Điều này đang khiến các DNVVN lo ngại hơn về các rủi ro an ninh mạng. 

71% DNVVN VN thấy bất an hơn về an ninh mạng so với năm ngoái.

Doanh nghiệp đang gặp nhiều rủi ro an ninh mạng hơn

Một nghiên cứu với trên 3.700 lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý CNTT chịu trách nhiệm về an ninh mạng tại 14 thị trường ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có 152 thành viên tham gia khảo sát tại Việt Nam cho thấy, các DNVVN đã nhìn thấy nhiều cách mà những kẻ tấn công cố gắng xâm nhập vào hệ thống của họ. Các cuộc tấn công mạng bằng mã độc và phần mềm độc hại là hình thức phổ biến nhất, tiếp theo là lừa đảo.

39% DNVVN tại Việt Nam từng bị tấn công mạng nhấn mạnh rằng các giải pháp an ninh mạng không đủ mạnh để phát hiện hoặc ngăn chặn cuộc tấn công. Trong khi đó, 32% cho rằng việc không có các giải pháp an ninh mạng là nguyên nhân chính. Những sự cố này đang ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. 

Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam chia sẻ: “Các DNVVN tại Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ số hóa trong 18 tháng qua. Việc số hóa đã thúc đẩy các DNVVN có nhu cầu đặc biệt đối với việc đầu tư vào các giải pháp và khả năng giúp đảm bảo các doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình trên mặt trận an ninh mạng. Điều này là do khi các doanh nghiệp ngày càng trở nên “số”, họ càng trở thành mục tiêu hấp dẫn với những kẻ xấu".

Bà Lương Thị Lệ Thủy – Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam.

Bên cạnh việc mất dữ liệu khách hàng, các DNVVN tại Việt Nam gặp sự cố mạng còn bị mất dữ liệu nhân viên, email nội bộ, thông tin tài chính, sở hữu trí tuệ và thông tin kinh doanh nhạy cảm, tác động tiêu cực đến uy tín của doanh nghiệp.

Gián đoạn do sự cố mạng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với các DNVVN. Thời gian ngừng hoạt động thậm chí chưa đến một giờ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, trong khi thời gian ngừng hoạt động lâu hơn có thể khiến công ty đối mặt với tình trạng phá sản.

Khách hàng không có đủ kiên nhẫn cho thời gian ngừng hoạt động kéo dài. Điều quan trọng đối với các DNVVN là khả năng phát hiện, điều tra, ngăn chặn hoặc khắc phục bất kỳ sự cố mạng nào trong thời gian ngắn nhất có thể. Để có thể làm được điều đó, họ cần các giải pháp dễ triển khai và sử dụng, nhiều giải pháp tích hợp hoạt động tốt, và tự động hóa các khả năng như phát hiện, ngăn chặn và khắc phục các sự cố mạng” – ông Juan Huat Koo, Giám đốc An ninh mạng, Cisco khu vực ASEAN nói.

Chuẩn bị kỹ càng để không còn lo lắng

Nghiên cứu của Cisco cho thấy, hiện nay các DNVVN ở Việt Nam cũng đang lên kế hoạch tiếp cận để hiểu và cải thiện thế trận an ninh mạng thông qua các sáng kiến ​​chiến lược. Theo nghiên cứu, 88% DNVVN của Việt Nam đã hoàn thành việc lên kịch bản và/hoặc mô phỏng cho các sự cố an ninh mạng tiềm năng trong 12 tháng qua, và phần lớn đã có kế hoạch ứng phó (89%) và phục hồi (88%).

Các DNVVN cũng ngày càng nhận thức được các mối đe dọa mạng lớn nhất của họ đến từ đâu, như lừa đảo là mối đe dọa hàng đầu, tiếp đó là các vấn đề an ninh bảo mật tổng thể bao gồm máy tính xách tay không an toàn, các cuộc tấn công có chủ đích bằng các tác nhân độc hại và sử dụng thiết bị cá nhân.

Ngày nay, các DNVVN đang đầu tư ngày càng mạnh vào an ninh mạng. Các khoản đầu tư này được phân bổ đều khắp các lĩnh vực như giải pháp an ninh mạng, tuân thủ hoặc giám sát, nguồn nhân lực, đào tạo và bảo hiểm, cho thấy sự thấu hiểu về sự cần thiết của phương pháp tiếp cận tích hợp và đa chiều trong việc xây dựng thế trận không gian mạng vững chắc.

Ông Kerry Singleton, Giám đốc Điều hành, Bộ phận An ninh mạng, Cisco khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản, Trung Quốc cho biết: “An ninh mạng đang phát triển nhanh chóng. Điều này bắt nguồn từ các xu hướng như mở rộng diện tích bề mặt tấn công, chuyển sang đa đám mây, sự gia tăng của hình thức làm việc kết hợp, cũng như các yêu cầu và quy định bảo mật mới. Khi bắt đầu hành trình số hóa, các DNVVN thường có cơ hội duy nhất để đặt nền tảng phù hợp cho thế trận bảo mật và xây dựng doanh nghiệp trên một nền tảng vững chắc, đáng tin cậy”.

Báo cáo nêu bật năm khuyến nghị mà các tổ chức thuộc mọi quy mô có thể sử dụng để cải thiện tình trạng an ninh mạng trong bối cảnh luôn thay đổi. Đó là: thường xuyên thảo luận với các lãnh đạo cấp cao và các cổ đông của doanh nghiệp, lên phương án tiếp cận các giải pháp an ninh mạng đơn giản và có khả năng tích hợp, luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng thông qua việc thực hiện mô phỏng các mối nguy cơ ở môi trường thực, đào tạo nhân viên một cách bài bản và làm việc với đối tác công nghệ phù hợp.

Thu Anh

Tin mới