Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

8 thói quen thường có ở các cặp vợ chồng hạnh phúc

(VTC News) -

Thẳng thắn nói với nhau về tiền bạc là một trong những thói quen thường thấy ở các cặp vợ chồng hạnh phúc, giúp hai người dễ dàng tìm ra tiếng nói chung.

Trong nhiều trường hợp, việc dọn về sống chung dễ trở thành một quyết định khiến các cặp đôi phải “đường ai nấy đi”. Khi hai người dành gần như tất cả thời gian để ở cạnh nhau, mọi khía cạnh tốt – xấu sẽ được phơi bày một cách trần trụi nhất.

Phải làm sao để chung sống hoà thuận và suôn sẻ? Cùng tham khảo 8 kinh nghiệm của những cặp vợ chồng lâu năm nhằm giữ gìn hạnh phúc trong hôn nhân.

Thoả thuận nguyên tắc

Từ việc tạo ra một danh sách những việc cần làm, đến thảo luận về vấn đề khi nào nên đi ngủ hay những ranh giới cá nhân. Các cặp vợ chồng sẽ phải cố gắng thoả hiệp, tìm ra nguyên tắc sống chung để có thể yên bình ở cạnh nhau.

Theo một cuộc khảo sát, chỉ riêng những tranh cãi nhỏ bé như thói quen sử dụng phòng tắm cũng có thể trở thành nguyên nhân chia tay. Ai sẽ được ưu tiên sử dụng vào buổi sáng? Nắp bồn cầu phải hướng lên hay hướng xuống? Những thói quen tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn cần đến sự thoả hiệp để giữ gìn sự hoà hợp trong hôn nhân.

Chia sẻ công việc nhà

Trong một cuộc nghiên cứu với những cặp vợ chồng, có 56% trong số những người được hỏi đồng ý rằng: chia sẻ việc nhà rất quan trọng để có một cuộc hôn nhân thành công.

Việc nhà không nên là trách nhiệm của riêng mình ai. Chia sẻ việc nhà là cách để các cặp vợ chồng thấu hiểu và dễ nhìn nhận những khó khăn, vấn đề của nửa kia, hiểu rằng công việc của ai cũng đều không dễ dàng. Để có thể làm được điều này, các cặp vợ chồng kinh nghiệm sẽ tạo ra một hệ thống để phân chia nhiệm vụ, tuỳ thuộc vào khả năng và lịch trình của đôi bên. Trong một số trường hợp, họ cùng nhau làm chung một công việc để tình cảm thêm gắn kết.

Thẳng thắn nói về tiền

Cũng giống như việc nhà, các khoản chi tiêu trong gia đình cũng nên được coi là trách nhiệm chung. Các cặp vợ chồng đôi khi cần ngồi xuống để thẳng thắn thảo luận về những hoá đơn hàng tháng, từ đó thoả hiệp về cách chi tiêu phù hợp với khả năng của cả hai.

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cũng chia sẻ những mẹo để tránh tranh cãi về tài chính. Một trong số đó bao gồm việc thường xuyên ngồi lại để xem xét các khoản chi tiêu và kế hoạch tiết kiệm.

Một điều cần lưu ý, đối với vấn đề tiền bạc, cả hai đều phải trung thực để giữ gìn niềm tin với đối phương.

Tập quen với điểm yếu của nhau

Khi một cặp vợ chồng bắt đầu hành trình sống chung, họ bắt đầu “khám phá” ra những điều kỳ quặc của đối phương. Như tất bẩn để trên sàn, nhai thức ăn quá ồn ào, hay tốn quá nhiều thời gian để chuẩn bị trước khi đi chơi xa.

Để tránh những thói quen nhỏ nhặt đó trở thành nguyên nhân “to đùng” dẫn đến kết cục chia tay, các cặp đôi cần tìm cách làm quen và “sống chung với lũ”. Về phía bản thân, cần tìm cách để khắc phục những thói quen xấu ấy, tránh để những điều nhỏ nhặt của bản thân ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn đời. Xét cho cùng, chìa khoá của một cuộc hôn nhân bền vững là cả hai cùng vì đối phương mà cố gắng.

Những “nghi thức” đặc biệt chung

Một bài báo từ Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Người tiêu dùng cho biết: Những cặp vợ chồng có những “nghi thức” đặc biệt cùng nhau sẽ tạo được “cảm giác tích cực và sự hài lòng trong mối quan hệ”.

Những khoảnh khắc này đơn giản chỉ như cùng nhau tập thể dục, cùng nhau thư giãn trên ghế trong khi xem phim. Hay đặc biệt hơn, bôi kem chống nắng cho chồng và cùng nhau hát một bài hát “độc quyền”.

Có thời gian để suy ngẫm một mình

Sống chung không đồng nghĩa bạn phải dành từng giây từng phút cho đối phương. Những khoảng lặng thư gian dành cho bản thân rất cần thiết cho mọi mối quan hệ.

Điều đó không đồng nghĩa với cô đơn, hoặc “bị bỏ rơi”. Đó chỉ là cơ hội để mỗi chúng ta suy ngẫm về nhiều thứ, nhìn nhận lại bản thân và đối phương, từ đó tìm hướng cải thiện mối quan hệ giữa hai người.

Quy tắc cơ bản cho khách 

Các cặp đôi có mức độ thoải mái khác nhau tuỳ vào từng đối tượng như gia đình, bạn bè, hay đối tác. Chính vì thế, việc đặt ra quy tắc cho khách đến chơi nhà rất quan trọng. Vợ chồng cần thống nhất với nhau rằng ai có thể đến, vào thời điểm nào và có thể ở lại trong bao lâu.

Thảo luận về vấn đề tiếp khách cũng rất quan trọng, như kế hoạch bữa ăn và các hoạt động tiếp đãi. Điều này có thể hạn chế những tranh cãi không cần thiết vì lý do không hiểu nhau.

Không nhất thiết giải quyết xung đột trước khi đi ngủ

Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với lời khuyên “đừng bao giờ đi ngủ khi đang tức giận. Tuy nhiên theo Tiến sĩ tâm lý xã hội Amie M. Gordon, đây là một quan điểm đã “lỗi thời”. Bởi những người căng thẳng và kiệt sức sẽ có xu hướng phản ứng tiêu cực hơn. Tiến sĩ Gordon khuyên bạn nên nhấn nút tạm dừng và cho phép cả hai được nghỉ ngơi.

Hãy để dành việc giải quyết vào thời điểm khi cả hai đều tỉnh táo và trong trạng thái tinh thần tốt nhất, ở một điều kiện tốt nhất. Đừng biến những tranh cãi của hôm nay trở thành lý do khiến bạn thức muộn và mệt mỏi trong ngày làm việc tiếp theo.

Trên đây là những thói quen thường thấy ở những cặp vợ chồng hạnh phúc. Chúc bạn và nửa kia của đời mình tìm được “tiếng nói chung” trên hành trình xây dựng tổ ấm.

Vân Khánh (Vov.vn)

Tin mới