Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 khép lại với chiến thắng vang dội của ông Donald Trump, đồng thời, đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Đây là một trong những cuộc bầu cử Tổng thống căng thẳng và kịch tính nhất lịch sử nước Mỹ. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã bị đảng Dân chủ gây sức ép phải rút lui, nhường đường cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Ông Donald Trump đã nhiều lần bị ám sát hụt... Tổng thống thứ 47 của Mỹ, dự kiến sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại như: Đẩy nhanh quy trình trục xuất người nhập cư; Cải tổ mạnh mẽ bộ máy chính quyền; Gây sức ép để chấm dứt các xung đột tại Ukraine và Gaza; gia tăng nguy cơ xung đột thương mại với Trung Quốc; Gây ra sự hoài nghi trong nội bộ NATO và định hướng lại quan hệ với nhiều quốc gia đồng minh truyền thống.
Cuộc xung đột giữa Israel với Hamas và Hezbollah tiếp tục leo thang, bước sang năm thứ hai mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến cuối năm 2024, hơn 44.000 người thiệt mạng ở Gaza, trong đó phần lớn là dân thường, hạ tầng gần như bị phá hủy hoàn toàn, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 18 tỷ USD. Xung đột không chỉ giới hạn tại Gaza mà còn lan sang Lebanon, Iran, Yemen và nhiều nơi khác sau các vụ ám sát các lãnh đạo cấp cao của Hamas và Hezbollah, dẫn đến các hành động trả đũa lẫn nhau của các bên. Đặc biệt, Iran và Israel lần đầu công khai tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của nhau. Cuối năm 2024, chính quyền của ông Bashar al-Assad tại Syria bất ngờ sụp đổ nhanh chóng, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử hiện đại của Syria và tạo nên cục diện mới về cán cân quyền lực tại Trung Đông, khi các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Israel, Nga và Iran tìm mọi cách củng cố lợi ích trong tình hình mới.
Việc Nhóm các nền kinh tế mới nổi - BRICS kết nạp thêm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào năm 2024 không chỉ phản ánh sự thay đổi cấu trúc của khối mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu. BRICS mở rộng nâng tỷ lệ kiểm soát GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP) lên 35%, vượt qua G7. Việc các nước giàu tài nguyên như Iran và UAE tham gia cũng làm tăng sức mạnh của BRICS trong lĩnh vực năng lượng khi khối này kiểm soát gần 50% sản lượng dầu thế giới. BRICS đang trở thành một lực lượng địa chính trị, tạo đối trọng với các thể chế do Mỹ cùng phương Tây dẫn dắt (G7, IMF, WB). Sự mở rộng này khẳng định tham vọng của BRICS trong việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực công bằng hơn, phản ánh đầy đủ hơn tiếng nói của các quốc gia đang phát triển.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine trong năm 2024 có những diễn biến đến ngưỡng tạo bước ngoặt mới. Sự kiện Ukraine đột kích vào tỉnh Kursk đầu tháng 8/2024 đánh dấu lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II, lãnh thổ Nga bị quân đội nước ngoài xâm chiếm. Tiếp đến, phương Tây tố quân đội Triều Tiên đã có mặt ở Nga và gỡ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga. Để đáp trả, Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân, trong đó điểm chính là việc hạ thấp ngưỡng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, kể cả khi bị tấn công bằng vũ khí thông thường. Nga cũng lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung mới mang tên Oreshnik để răn đe Ukraine và phương Tây. Ngưỡng bước ngoặt trên một mặt có thể làm bùng nổ xung đột trực diện Nga-NATO, nhưng mặt khác cũng gia tăng sức ép khiến các bên phải tìm cách kiềm chế, hành xử có trách nhiệm hơn và hướng tới giải pháp hòa bình.
Kinh tế thế giới năm 2024 duy trì được mức độ vững vàng dù gặp nhiều thách thức về biến động địa chính trị, sự đứt gãy dòng chảy thương mại tại một số khu vực cùng việc tái sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo IMF, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,2%. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng, đồng thời cuộc chiến chống lạm phát thu được kết quả tích cực tại Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone, Anh... giúp các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới tự tin khởi động quy trình cắt giảm lãi suất, gia tăng đáng kể triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2025. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với thách thức lớn trong trung hạn do bất ổn địa chính trị liên quan đến các xung đột lớn, cũng như tính khó dự báo về chính sách từ chính quyền mới của Mỹ.
Trong năm 2024, Hàn Quốc trải qua cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ, với việc ngày 3/12/2024, Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật với lý do để đối phó các “lực lượng chống phá nhà nước”. Hành động này khiến Tổng thống Yoon Suk Yeol bị Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu luận tội vì "hành vi nổi loạn phá hoại trật tự hiến pháp", nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Yoon Suk Yeol, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, bị bắt giữ. Tại Đức, chính phủ liên minh 3 đảng của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ ngày 16/12/2024, buộc Đức phải tổ chức tổng tuyển cử sớm vào cuối tháng 2/2025. Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc hội đầu tháng 6/2024 dẫn đến bất ổn kéo dài trên chính trường Pháp, chính phủ của ông Michel Barnier sụp đổ (4/12/2024) chỉ sau 3 tháng. Hàn Quốc, Đức, Pháp đều là “những nền dân chủ” lớn, bất ổn tại các quốc gia này tác động nhiều đến kinh tế-chính trị khu vực và thế giới.
Trong năm 2024, thế giới tiếp tục phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thể hiện qua sự xuất hiện với tần suất ngày càng cao của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, sóng nhiệt. Các siêu bão (Yagi, Helene, Milton, Kong-rey), trận lụt lịch sử ở Tây Ban Nha hay nhiệt độ cao kỷ lục ở Nam Á... cướp đi sinh mạng hàng ngàn người, gây thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ USD. Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu – COP29, diễn ra tháng 11/2024 tại Baku, Azerbaijan, các quốc gia đã thống nhất thông qua thỏa thuận mới về tài chính khí hậu mang tên “Mục tiêu định lượng tập thể mới” (NCQG). Theo đó, các nước phát triển cam kết đóng góp 300 tỷ USD/năm đến năm 2035, cao gấp 3 lần cam kết trước đây (100 tỷ USD/năm) nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diễn ra từ 26/7-11/8 tại thủ đô Paris, Pháp, Thế Vận hội Mùa Hè lần thứ XXXIII - Olympic Paris 2024 để lại nhiều ấn tượng. Đây là kỳ Olympic được tổ chức tại nhiều địa điểm nhất, bao gồm thủ đô Paris, 16 thành phố và một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Thái Bình Dương (Polynesia), cách nước Pháp hơn 15.000km. Olympic Paris cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, lễ khai mạc được tổ chức bên ngoài sân vận động, dọc theo sông Seine. Các môn thi Olympic được tổ chức tại các địa điểm đậm chất văn hóa và nghệ thuật, với nhiều kỷ lục thế giới mới được lập. Tuy nhiên, Olympic Paris 2024 cũng gây nhiều tranh cãi liên quan đến nghệ thuật và tôn giáo, giới tính…, hay công tác tổ chức, hậu cần tại các làng vận động viên.