Giao trách nhiệm cho trẻ: Cách dễ dàng để nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ là giao nhiệm vụ cho con. Cha mẹ hãy để con làm những công việc cần thiết, nhưng đơn giản như giúp nấu bữa tối hoặc chăm sóc em. Trẻ phát triển đúng khi biết mình là một phần không thể thiếu của gia đình. Trẻ sẽ trở nên đáng tin cậy, tận tâm và tự tin. (Ảnh: Pbs)
Cha mẹ chia sẻ khó khăn của mình với trẻ: Là người lớn, các bậc phụ huynh hiểu rõ rằng mọi thứ đều khó khăn, ai cũng mắc sai lầm. Nhưng trẻ nhỏ vẫn chưa nhận thức rõ điều đó. Bạn có thể giúp con hiểu rằng việc đối mặt với thử thách là điều bình thường bằng cách chia sẻ khó khăn trong công việc, cuộc sống của mình với trẻ. Và điều quan trọng hơn là bạn làm gì để vượt qua những thử thách này. (Ảnh: Actionforchildren)
Hỏi ý kiến của trẻ: Theo Business Insider, khi hỏi ý kiến của con cái, bạn cho trẻ thấy suy nghĩ và cảm xúc của chúng được cha mẹ quan tâm. Vì vậy, nếu muốn học cách nuôi dạy một đứa trẻ tự tin, phụ huynh nên hỏi ý kiến của trẻ để chúng cảm thấy có giá trị và được tôn trọng. Trẻ sẽ tin rằng con có khả năng tạo ra tác động đến thế giới xung quanh. (Ảnh: Verywellfamily)
Tập trung vào quá trình cố gắng của trẻ: Khi bạn khen ngợi con cái, hãy tập trung vào quá trình chứ không phải kết quả. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ bằng cách thừa nhận những nỗ lực khó khăn của bé để đạt được điểm cao và mọi việc trong cuộc sống. Trẻ sẽ học được việc phạm sai lầm là điều hoàn toàn ổn khi chúng tự tin tiếp tục thực hiện điều chưa hoàn thành. (Ảnh: Theguardianigeria)
Đừng "giải cứu" trẻ: Theo tạp chí Parents, không bao giờ dễ dàng khi cha mẹ chứng kiến con cái trải qua khó khăn. Nhưng bạn nên chống lại ý muốn giúp đỡ trẻ. Điều này có thể giúp cuộc sống dễ dàng hơn nhưng trẻ sẽ không học được những kỹ năng sống quý giá mà chúng cần như sự kiên nhẫn, sáng tạo. Thay vào đó, bạn chỉ nên hỗ trợ trẻ tìm ra các chiến lược để giải quyết vấn đề, nhưng đừng làm mọi thứ cho chúng. (Ảnh: Verywellfamily)
Đảm bảo thử thách phù hợp khả năng của trẻ: Cha mẹ có thể giúp con tự tin hơn bằng cách đưa ra cho trẻ những mục tiêu có thể đạt được. Chẳng hạn, bạn không thể yêu cầu trẻ 2 tuổi tự đi giày và buộc dây giày vì nhiệm vụ đó không phù hợp với khả năng của con. Nếu trẻ thành công khoảng 2/3 thời gian, đó là thử thách thích hợp. Nếu thời gian thực hiện dài hơn, nhiệm vụ có lẽ là quá khó. (Ảnh: Teachhub)
Thể hiện sự tôn trọng với mọi người: Trẻ em không ngừng quan sát và học hỏi từ người lớn. Chúng sẽ đối xử với mọi người theo cách của cha mẹ, vì vậy, hãy tử tế. Nếu bạn thể hiện sự tôn trọng với người khác, bất kể thu nhập, địa vị xã hội hay kích thước cơ thể, con cũng sẽ học cách làm như vậy. Trẻ sẽ học được rằng giá trị bản thân không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Khi làm được điều đó, con cũng sẽ học cách tôn trọng bản thân nhiều hơn. (Ảnh: Positiveparenting)
Thừa nhận sự thất vọng của trẻ: Ai cũng có những thời điểm tồi tệ. Cha mẹ hãy cho con biết buồn bã, chán nản là cảm xúc bình thường, không sai trái. Thay vì gạt bỏ cảm xúc của con, bạn hãy giúp trẻ vượt qua điều đó. Khi đã xử lý được cảm xúc tiêu cực, con sẽ trưởng thành, trở nên mạnh mẽ và kiên trì hơn. (Ảnh: Moneycrashers)