Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, viêm họng cấp có thể xuất hiện quanh năm, xảy ra ở bất cứ người nào nhưng thường gặp nhất là trẻ em ở thời điểm giao mùa.
Nguyên nhân đây là thời điểm vi khuẩn và virus phát triển mạnh, dễ dàng xâm nhập gây bệnh cũng như lây lan từ người lành sang người bệnh. Người có hệ miễn dịch tốt hoặc được bảo vệ tốt khỏi tác nhân gây bệnh sẽ không mắc bệnh, còn lại có thể thường xuyên bị viêm họng cấp.
Viêm họng cấp có thể xuất hiện quanh năm. (Ảnh minh họa)
Vệ sinh răng mũi họng
Khu vực răng mũi họng có thể tích tụ vi khuẩn và gây bệnh do đặc thù môi trường ẩm ướt, trao đổi thường xuyên với không khí môi trường và thực phẩm. Do đó, cần vệ sinh thường xuyên bằng việc vệ sinh răng miệng sau khi ăn, đánh răng trước và sau khi thức dậy.
Có thể dùng nước muối sinh lý để súc họng, vệ sinh mũi,… ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Tắm bằng nước ấm
Người bị viêm họng tái phát nhiều lần, người sức khỏe yếu nên tắm bằng nước ấm kể cả trong thời tiết chớm lạnh giao mùa. Phòng tắm nên thiết kế kín, tránh gió lùa, sau khi tắm xong thì cần lau khô người trước khi mặc quần áo sạch và ra ngoài.
Giữ ấm cơ thể
Gió lạnh là nguyên nhân khiến niêm mạc họng trở nên yếu ớt hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn và viêm họng cấp cũng cao hơn. Vì thế, hãy đảm bảo giữ ấm cho cơ thể trong thời tiết lạnh, nhất là khi ra ngoài vào sáng sớm hoặc buổi tối.
Đêm ngủ bạn cần đóng kín cửa, tránh gió lạnh lùa vào do khi ngủ, nhiệt độ cơ thể thường xuống thấp hơn. Các vị trí quan trọng cần giữ ấm cho trẻ bao gồm bàn tay, bàn chân, đầu, ngực, cổ…
Không tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh
Vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp trên có khả năng lây lan rất nhanh, đôi khi chỉ qua tiếp xúc gần hoặc dịch tiết đường hô hấp. Vì thế, nên tránh để trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch, hạn chế tiếp xúc gần với người có triệu chứng cúm, viêm họng cấp hoặc viêm đường hô hấp khác.
Hạn chế thực phẩm lạnh
Kem lạnh, đá hay các thực phẩm giữ lạnh rất được trẻ nhỏ yêu thích. Tuy nhiên, chúng khiến niêm mạc họng bị kích thích, dễ gây viêm họng cấp hơn. Vì thế hãy hạn chế trẻ ăn những thức ăn, thức uống quá lạnh, thay vào đó là uống nước ấm và các thực phẩm nóng.
Tăng cường đề kháng
Sức đề kháng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh viêm họng cấp, bệnh đường hô hấp khác nói riêng và các bệnh lý toàn thân khác. Vì thế, bạn hãy chủ động tăng sức đề kháng bằng bổ sung đầy đủ dinh dưỡng với 5 nhóm chất cơ bản, tăng cường các loại rau, củ quả tươi chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa tự nhiên.
Tiêm vaccine phòng bệnh
Trước mùa dịch, cha mẹ có thể đưa trẻ đi tiêm vaccine cúm, cơ thể trẻ sẽ hình thành kháng thể chống lại bệnh khi mắc phải tác nhân gây bệnh thực sự. Đây là biện pháp hiệu quả để phòng tránh cúm mùa. Tuy nhiên viêm họng cấp do tác nhân khác vẫn có thể gặp phải.