Ngày 10/11, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau 3 tuần điều trị tích cực, đội ngũ y bác sĩ tại đơn vị đã cứu sống hai trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng, phức tạp, nguy cơ tử vong cao bằng kỹ thuật lọc máu liên tục.
Trường hợp thứ nhất là Huỳnh Thị Thu M. (23 ngày tuổi, trú xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), cân nặng 3,5 kg, nhập viện trong tình trạng bóp bóng qua ống nội khí quản, phù cứng bì toàn thân, thiểu niệu. Trước đó, tại nhà trẻ sốt cao, đi cầu lỏng hơn 20 lần/ngày, lơ mơ rồi rơi dần vào hôn mê.
Trẻ được chẩn đoán nhiễm trùng huyết nặng, được hồi sức tích cực với thở máy, kháng sinh nhưng tình trạng xấu dần, phù cứng bì ngày càng tăng, phản ứng viêm tăng cao, toan chuyển hoá, suy thận tiến triển.
Người thân và đội ngũ y bác sĩ vui mừng sau khi trẻ sơ sinh được cứu sống. (Ảnh: BVCC)
Xác định đây là một trường hợp nhiễm trùng huyết nặng biến chứng suy thận nặng nguy cơ tử vong 100%, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế lọc máu liên tục kết hợp thở máy xâm nhập và điều trị nội khoa tích cực. Sau 68 giờ lọc máu liên tục, trẻ được cai máy, các chỉ số sinh tồn ổn định. Sau hơn 20 ngày điều trị, trẻ bú tốt, lên cân, và được ra viện.
Trẻ thứ hai là Nguyễn Thị L. (10 ngày tuổi, trú Tổ dân phố Hải Thành, phường Thuận An, TP Huế), cân nặng 2,9kg. Bệnh nhi được chẩn đoán nghi ngờ rối loạn chuyển hóa bẩm sinh trong tình trạng bỏ bú, hôn mê, thở nấc, được đặt ống nội khí quản, nhập viện hôm 26/10.
Khai thác bệnh sử, trẻ sinh mổ đủ tháng, khỏe mạnh sau sinh, bú sữa mẹ và sữa công thức. Ngày tuổi thứ 10, trẻ bỏ bú, thở rên gắng sức nhiều, kém linh hoạt, da vàng toàn thân, hạ đường máu, toan máu nặng. Trẻ được thở máy, truyền dịch, nhịn ăn hoàn toàn và làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán theo dõi rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nặng, ứ độc chất NH3 gấp hơn 10 lần bình thường.
Bé được các bác sĩ chẩn đoán bất thường chuyển hóa các acid hữu cơ có trong sữa đã bú, tích tụ NH3 gây độc thần kinh dẫn tới hôn mê và tổn thương não không hồi phục.
Sau hội chẩn, bệnh nhi được thực hiện lọc máu liên tục và điều trị bổ sung Natri benzoate, Arginine, L- carnitine và vitamin B12. Sau lọc máu 8 giờ, độc chất NH3 giảm được hơn 2/3. Sau 48 giờ, trẻ dần hồi tỉnh, cai máy thở.
Ngay khi có chẩn đoán xác định rối loạn chuyển hóa acid hữu cơ, trẻ được điều trị dinh dưỡng. Hiện tại trẻ tỉnh táo hoàn toàn, bú sữa mạnh, tăng cân và lên kế hoạch xuất viện.
Giáo sư Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Lọc máu liên tục ở trẻ sơ sinh gặp nhiều thách thức để thực hiện thành công như mạch máu quá nhỏ, thể tích máu thấp, khó cân bằng các yếu tố đông máu, phải điều chỉnh bằng kỹ thuật. Đây là lần đầu tiên bệnh viện triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục để cứu trẻ sơ sinh bị bệnh nặng, phức tạp, thắp sáng niềm hy vọng cứu sống các trẻ sơ sinh mắc bệnh nguy kịch không đáp ứng với điều trị nội khoa thông thường”.