Hiện nay có rất nhiều loại nồi, chảo được sản xuất với các chất liệu khác nhau nhằm phục vụ các mục đích nấu nướng khác nhau. Vì vậy, mỗi loại nồi chảo sẽ có cách sử dụng riêng. Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng chú ý tới điều này mà chỉ coi trọng đến sự tiện lợi khi nấu, khiến nồi, chảo nhanh hỏng và sức khỏe gia đình cũng bị ảnh hưởng.
Dưới đây là những sai lầm thường gặp.
Chế biến món ăn không phù hợp
Các bà nội trợ thường dùng chảo rán để chế biến luôn các món xào để không bị lãng phí dầu ăn và đỡ phải chùi rửa nhiều. Chảo chống dính là dụng cụ được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu dùng loại chảo này để xào nấu các món mặn, chứa nhiều axit như chanh, cà chua... thì lớp chống dính sẽ nhanh chóng bong tróc, mất tác dụng đối với món rán và cũng không có lợi cho sức khỏe.
Với nồi, chảo bằng nhôm, việc chế biến các món hầm hay các món chua cay có tính axit cao là không hề an toàn. Chất nhôm trong nồi dễ bị bào mòn nhanh chóng khiến đáy nồi cháy, hỏng.
Nấu ở nhiệt độ cao
Trước khi nấu nướng, nhiều người thường tráng nồi chảo qua nước để loại bỏ bụi bẩn, sau đó sẽ làm khô bằng cách để lên bếp nóng. Nhiều người còn có thói quen làm dầu nóng già lên rồi mới chiên đồ ăn. Sai lầm này khiến nồi dễ bị biến dạng và còn gây hại lớn cho sức khoẻ.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, nhiệt độ nấu quá cao (260 độ C trở lên) sẽ khiến cho các lớp Polytetrafluoroethylene (PTFE) ở nồi chống dính bị phân huỷ và trở thành chất độc hại. Nồi nhôm khi gặp nhiệt độ quá cao cũng dễ khiến đồ ăn bị cháy, một lượng nhỏ hợp chất nhôm ở đáy sẽ hoà tan cùng thức ăn đang nấu. Việc ăn phải loại đồ ăn đó trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ như ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh thận.
Dùng dụng cụ kim loại
Nhiều bà nội trợ thường dùng các dụng cụ nhà bếp bằng nhôm, inox để chế biến đồ ăn, khiến đáy nồi dễ bị trầy xước, nhanh chóng mất các lớp bảo vệ. Điều này không chỉ khiến nồi chảo nhanh hỏng mà còn gây hại cho sức khoẻ của mọi người trong gia đình.
Cho nước lạnh vào nồi, chảo nóng
Bạn đừng bao giờ đổ ngay nước lạnh vào nồi chảo đang ở nhiệt độ cao, vì sự chênh lệch nhiệt độ có thể gây cong vênh hoặc nứt đáy nối sau thời gian dài. Điều này có thể làm cho đáy chảo bị lũng, dễ bào mòn, khiến việc nấu nướng trở nên không an toàn. Sự cong vênh của đáy nồi cũng có thể khiến lớp phủ chống dính dễ bị bong tróc.
Vệ sinh và bảo quản sai cách
Việc vệ sinh nồi chảo thường xuyên bằng các giẻ sắt khiến đồ dùng này nhanh chóng bị phá huỷ. Việc lạm dụng xà phòng rửa bát cũng khiến nồi chảo của bạn chóng mất hết các lớp phủ. Ngoài ra, rửa nồi ngay sau khi vừa nấu xong cũng là việc không nên làm.
Trong quá trình cất giữ, nếu bạn không cẩn thận, để nồi chảo va đập vào nhau và vào các dụng cụ nhà bếp khác thì sẽ dẫn đến cong méo, xước vỡ.
Vẫn dùng nồi, chảo bong tróc
Nhiều bà nội trợ không có thói quen để ý đến thời gian sử dụng của nồi chảo; mặc kệ cho đồ ăn bị vỡ nát khi chế biến trên chiếc chảo đã bị mất hết lớp chống dính hay các món ăn bị cháy khét do đáy nồi không còn đủ dày để tiếp tục điều hoà nhiệt độ khi nấu nướng. Nhiều người còn tận dụng nồi này để nấu những món không phù hợp.
Việc sử dụng các nồi, chảo đã bong lớp bảo vệ và chống dính sẽ khiến cho đồ ăn ngấm chất độc hại từ đáy nồi, ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ của bạn và gia đình bạn.