Theo bài viết trên website Bệnh viện Vinmec, đau đầu còn được gọi là chứng đầu thống, được chia làm 2 loại là đau đầu do ngoại cảm và đau đầu ngoại thương. Ngoài ra, chứng đau đầu còn xuất phát từ một số nguyên nhân khác như chấn thương, té ngã hoặc do khí trệ, huyết ứ do các bệnh lý mãn tính.
Người bệnh cần lưu ý, đau đầu đơn giản chỉ là triệu chứng. Nguyên nhân gây đau đầu kinh niên không nhất thiết xuất phát ở đầu mà đôi khi xảy ra do những bất thường ở các bộ phận khác của cơ thể.
Quan điểm của Y học cổ truyền cho rằng, não bộ là bể chứa của tủy, nguồn gốc xuất phát từ thận tinh và được nuôi dưỡng thông qua các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Đầu liên kết với các cơ quan bên trong cơ thể thông qua hệ thống kinh lạc mạch và giao tiếp với bên ngoài thông qua các lỗ tự nhiên phía trên (thanh khiếu).
Khi các yếu tố gây bệnh bên ngoài hoặc chính bên trong cơ thể cản trở quá trình vận hành của kinh mạch, dẫn đến làm xáo trộn nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho đầu và làm tắc các khiếu thì chứng đau đầu kinh niên sẽ xảy ra.
Về mặt lâm sàng, các bác sĩ Đông y sẽ căn cứ vào các triệu chứng đặc trưng của chứng đau đầu để phân tích những thay đổi hay những bất thường bệnh lý bên trong cơ thể. Những thông tin hữu ích có được sẽ giúp bác sĩ tìm ra thể lâm sàng đau đầu và từ đó cung cấp nguyên tắc xây dựng bài thuốc dân gian trị đau đầu kinh niên cho từng bệnh nhân.
Đau đầu ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.
Một số vị trí đau đầu kinh niên
Đau đầu vùng thái dương: Là triệu chứng của một số bệnh lý cấp tính như cảm, cúm, sốt do nhiễm khuẩn hay các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp.
Đau đầu vùng đỉnh: Thuộc kinh Quyết âm can, theo y học cổ truyền xuất phát từ một số bệnh lý phổ biến như viêm gan, đau hạ sườn phải, thiếu máu, đau hốc mắt, rối loạn tiền đình hay chứng thiên đầu thống.
Đau đầu vùng trán: Thuộc kinh Dương minh vị và hay gặp trong các bệnh lý như loét dạ dày-hành tá tràng hoặc chứng rối loạn tiêu hóa.
Đau đầu vùng gáy: Thuộc kinh Thái dương (bàng quang), là triệu chứng hay gặp trong bệnh viêm não, lao màng não, thương hàn, xơ vữa động mạch não.
Đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải: Thuộc kinh Thiếu dương đởm và các bác sĩ cho biết là biểu hiện của chứng suy nhược thần kinh thể hưng phấn. Ví dụ như các bệnh lý rối loạn thần kinh thực vật, thần kinh chức năng, đau túi mật, thần kinh tim và rối loạn tiền đình.
Một số bài thuốc dân gian giúp bạn cải thiện tình trạng đau đầu
Bài thuốc dân gian trị đau đầu kinh niên
Bài 1: Các nguyên liệu bao gồm củ ráy dại (sao) 20g, sắn dây hoặc dây đỗ ván 15g, lá tía tô 15g, cúc hoa 10g (hoặc rau má 20g), rễ và cây cúc tần 15g (hoặc diếp cá), hoa kinh giới 10g.
Trường hợp bệnh nhân ra nhiều mồ hôi thì thay lá tía tô bằng lá dâu, còn chứng đau đầu kèm theo chóng mặt thì thêm mần tưới 6g (15 lá). Người bệnh đem tất cả các nguyên liệu nêu trên sắc lấy nước uống 2 lần trong ngày.
Bài 2: Nguyên liệu gồm có lá sả 50g, tỏi 3-5 củ, lá tía tô 50g, kinh giới 50g, ngải cứu 50g. Đem tất cả nguyên liệu đun sôi với khoảng 4-5 lít nước, sau đó cho bệnh nhân ngồi cạnh nồi nước để xông (trùm chăn kín).
Lưu ý: Trước khi xông bài thuốc này nên cho bệnh nhân đau đầu ăn cháo nóng, sau khi xông cần lau khô người, thay quần áo sạch và ủ kín.
Bài 3: Bài thuốc chữa đau đầu kinh niên này sử dụng bằng cách đắp ngoài da với nguyên liệu là lá thầu dầu tía hoặc lá khoai nước. Sau khi đem giã nát thì đem đắp lên trán. Hoặc bệnh nhân có thể dùng lá thanh táo thêm ít nước, đem đi vò nát rồi đắp lên trán cho ra mồ hôi sẽ thấy mức độ đau đầu giảm dần.
Bài 4: Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm cúc hoa 10g, ngưu tất 12g, bạch chỉ 12g, câu đằng 12g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, sinh địa 15g, mạn kinh tử 10g, sau đó đem tất cả nguyên liệu vừa chuẩn bị đi sắc lấy nước uống.
Nếu đau đầu kèm đau nhói vùng tim có thể thêm chỉ thực 10g, xương bồ 10g, tinh tre 10g. Nếu đau đầu kèm đau cơ và khớp thì thêm uy linh tiên 12g. Với bệnh nhân béo phì thì thêm trần bì 12g và bán hạ chế 12g, còn chứng đau đầu kinh niên gây mất ngủ thì thêm táo nhân sao đen 12g.
Bài 5: Bài thuốc dân gian trị đau đầu kinh niên này cần những nguyên liệu như câu đằng 15g, mạch môn 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 10g (hay củ sả), vỏ quýt chuẩn bị 10g, bán hạ chế 15g. Tất cả nguyên liệu đem đi sắc với nước và dùng đường uống trong thời gian 15 ngày.
Bài 6: Chuẩn bị tinh tre 15g, bán hạ chế 15g, vỏ quýt 15g, bạc hà 4g (hay củ sả), rau má hoặc hoa cúc 15g, chỉ thực (vỏ quả chấp) 15g. Nếu đau đầu kinh niên kèm mất ngủ thì gia thêm nhân hạt táo (sao đen) hoặc tâm sen, lá vông. Bệnh nhân đem tất cả nguyên liệu sắc lấy nước uống sẽ thấy chứng đau đầu cải thiện.