Các gia đình hoàng tộc trên khắp thế giới đều hiện lên với hình ảnh vương giả và xa hoa, khiến bao người phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đằng sau cánh cửa cung điện là những bí mật không phải ai cũng biết. Nhiều hoàng gia liên tục hứng chịu bi kịch, tang thương khiến họ buộc phải tin rằng có những lời nguyền đang đeo bám họ, gieo rắc nỗi đau khổ cho các thành viên.
Sau đây là câu chuyện của những hoàng gia nổi tiếng với những "lời nguyền" ám ảnh.
Vương tộc Grimaldi
Grimaldi là gia tộc đang nắm quyền trong hoàng gia Monaco từ năm 1297. Theo tờ Tatler, có một số phiên bản khác nhau về câu chuyện vương tộc nổi tiếng này bị dính lời nguyền tàn khốc.
Phiên bản nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất như sau: Vào thế kỷ 13, Hoàng tử Rainier I đã bắt cóc một người phụ nữ khiến cô uất hận và căm giận tột cùng. Cô nguyền rủa hoàng tử và hậu duệ của ông rằng: "Dòng họ Grimaldi sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân".
Hoàng tử Rainier I.
Trên thực tế, nhiều thành viên trong hoàng gia Monaco đều không có cuộc sống hôn nhân như ý muốn. Công chúa Stephanie, con gái út của Vương phi Grace Kelly và Thân vương Rainier III đã trải qua tình duyên lận đận. Cuộc hôn nhân đầu tiên chỉ kéo dài được một năm. Người tình thứ hai cũng không phải là bến đỗ cuối cùng.
Vương phi Caroline xứ Hannover, chị gái Thân vương Monaco cũng có cuộc sống hôn nhân bất hạnh. Người chồng đầu tiên của bà ly hôn sau 2 năm chung sống. Cuộc hôn nhân thứ 2 tưởng chừng hạnh phúc viên mãn thì người chồng đột ngột qua đời sau vụ tai nạn hàng hải. Hiện tại, Vương phi Caroline xứ Hannover sống bình lặng bên người chồng thứ ba.
Vương phi Caroline xứ Hannover có cuộc sống hôn nhân trắc trở.
Hoàng gia Nepal
Nepal trở thành quốc gia có chủ quyền vào những năm 1700, do Prithvi Narayan Shah cai trị. Theo New York Times, vào một ngày nọ, nhà vua ban cho vị ẩn sĩ một bát sữa có mùi vị không mấy ngon lành. Vị ẩn sĩ này sau khi uống đã nôn ra hết trước mặt vua. Người đứng đầu hoàng gia đã tỏ ra chê bai và xa lánh vị ẩn sĩ. Nhà vua không ngờ rằng, ẩn sĩ đó thực ra là thần Gorakhnath. Thần cảm thấy bị xúc phạm khi thấy nhà vua né tránh bãi nôn của mình nên đưa ra lời nguyền rằng, chế độ quân chủ của Nepal sẽ chỉ tồn tại được 10 đời mà thôi.
Vào ngày 1/6/2001, Thái tử Nepal Dipendra gây ra vụ thảm sát chấn động thế giới, lấy đi 9 mạng người gồm cha mẹ và anh chị em của mình. Sau đó, thái tử tự kết liễu đời mình. Có giả thiết cho rằng Thái tử Dipendra sát hại cả nhà vì không được lấy người con gái mình yêu.
Thái tử Dipendra được cho là thảm sát cả gia đình vì không lấy được người mình yêu.
Hoàng gia Nepal tiếp tục tồn tại cho đến khi chế độ quân chủ chấm dứt vào năm 2008. Triều đại kéo dài đúng 10 thế hệ.
Hoàng gia Wadiyar
Wadiyar là gia đình hoàng tộc duy nhất ở Ấn Độ cai trị hợp pháp một đế chế kéo dài 5 thế kỷ. Hiện tại các thành viên vẫn đang có cuộc sống quyền quý tại cung điện tráng lệ ở Mysore. Ga tộc này còn nổi tiếng với lời nguyền đeo bám họ suốt 400 năm và nỗi ám ảnh không có người thừa kế.
Lời nguyền được cho là xuất phát từ một sự kiện lịch sử gây chấn độn đầu thế kỷ 17, khi vùng đất Mysore được cai trị bởi vua Tirumalaraja. Nhà vua mắc căn bệnh hiểm nghèo khiến sức khỏe suy kiệt.
Vợ chồng vua Tirumalaraja.
Năm 1612, lợi dụng cơ hội này, gia tộc Wadiyar nổi lên, sát hại người thừa kế của vua Tirumalaraja và giam giữ các thành viên còn lại cùng những cận thần khác. Một ngày, Hoàng hậu Alamelamma, vợ của cựu vương Tirumalaraja quyết định bỏ trốn nhưng bị đuổi giết. Trước khi nhảy xuống sông tự vẫn, bà Alamelamma đưa ra lời nguyền đầy cay độc: "Ta nguyền rủa các vị vua Mysore sẽ không bao giờ có con nối dõi".
Trên thực tế, lời nguyền này ứng nghiệm một cách kỳ lạ, trở thành nỗi ám ảnh của cả gia tộc hơn 400 năm qua. Kể từ đó, các đời vua Wadiyar đều không có con trai nối dõi. Họ đành nhận nuôi những đứa trẻ khác hoặc đưa các cháu trai, anh em họ lên làm người thừa kế ngai vàng. Mãi về sau, lời nguyền mới được hóa giải khi một nàng dâu hoàng gia hạ sinh bé trai nối dõi tông đường.
Gia tộc Habsburg
Nhà vua Franz Joseph I nhà Habsburg - hoàng tộc có thế lực nhất trong lịch sử châu Âu -được cho là dính phải một lời nguyền. Tương truyền, sau khi hoàng đế lệnh hành quyết một thiếu niên, mẹ của cậu này vô cùng uất hận thốt lên: "Cầu mong thiên đường và địa ngục hãy đốt cháy hạnh phúc của ông. Xin cho cả gia tộc của ông phải bị diệt vong, những đứa con của ông sẽ bị hủy hoại. Và ông phải sống trong cô đơn, đau buồn khủng khiếp".
Sau đó, trong suốt thời gian dài, người ta hoang mang và lo sợ khi những đứa trẻ ra đời trong hoàng tộc Habsburg thường tử vong hoặc mắc phải các bệnh di truyền, trở thành những người tàn tật nặng.
Các thành viên trong gia tộc Habsburg đều có vấn đề về sức khỏe.
Trong đó, Carlos II - vị vua cuối cùng của nhà Habsburg tại Tây Ban Nha - bị bệnh động kinh, có nhiều vấn đề về xương và trí thông minh. Ông này còn có phần hàm dưới nhô ra quá nhiều so với hàm trên, nghiêm trọng tới mức gây cản trở cho việc nói, ăn uống hay ngậm miệng.
Các nghiên cứu gần đây cho biết, những bất hạnh giáng xuống gia tộc này xuất phát từ hậu quả của hôn nhân cận huyết. Các vị vua đều kết hôn với người trong gia tộc nên những đứa trẻ được sinh ra không lành lặn hay sống lâu.
Hoàng tộc Coburg của Anh
Antoinette de Kohary, một phụ nữ quý tộc Hungary, được gả vào gia tộc Coburg, Vương quốc Anh. Tương truyền, một người họ hàng của Kohary ganh tỵ với sự giàu có và hạnh phúc mà người phụ nữ này nhận được nên đã buông ra lời nguyền rủa rằng cả gia đình nhà chồng Kohary sau này sẽ mắc một căn bệnh khủng khiếp.
Trên thực tế, Nữ hoàng Anh Victoria là người đầu tiên trong gia tộc mắc cặn bệnh hemophilia (một rối loạn đông máu hiếm gặp). Nữ hoàng có 9 người con và họ đã kết hôn với các thành viên hoàng gia khác nhau. Một trong số đó không may mắn mang căn bệnh di truyền này.
Antoinette de Kohary.
Trong số các hoàng tử bị bệnh máu khó đông, người con thứ 8 của Nữ hoàng Victoria là Hoàng tử Leopold đã mất năm 31 tuổi do xuất huyết não sau khi bị ngã. Công chúa Alice kết hôn với Hoàng tử Louis xứ Hesse - Darmstadt. Người con trai của Công chúa Alice là Friedrich cũng qua đời vì không thể cầm máu khi có vết rách nhỏ ở tai.