Hoàng gia Anh nổi tiếng là nơi sở hữu bộ sưu tập vương miện đồ sộ và quý giá tồn tại hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, không phải vương miện nào cũng được sử dụng và đôi khi chúng cũng chứa đựng những yếu tố rùng rợn khiến ai cũng e ngại. Một trong số đó không thể không nhắc tới chiếc vương miện có tên gọi là Strawberry Leaf Tiara.
Món quà cưới tang tóc
Strawberry Leaf Tiara ra đời với mục đích để làm quà cưới. Theo đó, Hoàng tế Albert, chồng của Nữ hoàng Victoria đã cho người thiết kế và tạo ra một món trang sức quý giá để tặng cho con gái yêu, Công chúa Alice, khi cô kết hôn với Hoàng tử Louis của Hessen vào năm 1861.
Bất hạnh thay, Hoàng tế Albert qua đời trước khi hôn lễ được cử hành và chiếc vương miện tuyệt đẹp được nữ hoàng trao tặng cho con gái mình. Công chúa Alice đã đeo chiếc vương miện trong ngày cưới của mình rồi sau đó đem đến ngôi nhà mới ở Đức.
Công chúa Alice đã sử dụng chiếc vương miện trong ngày cưới.
Ban đầu, chiếc vương miện được thiết kế với 14 cụm hình thoi và 13 lá dâu đi kèm với một vòng cổ, trâm cài và bông tai. Về sau, Công chúa Alice đã mở rộng chiếc vương miện và thêm nhiều kim cương vào đó.
Tuy nhiên, Công chúa Alice là "nạn nhân" tiếp theo của chiếc vương miện này khi qua đời quá sớm ở tuổi 35 vì bệnh bạch hầu. Một trong những người con gái của Công chúa là Marie cũng đột ngột qua đời không rõ nguyên nhân. Chiếc vương miện sau đó được truyền lại cho Ernest Louis, thường được gọi là "Ernie", con trai của Công chúa Alice.
Về sau Ernie kế vị cha mình trở thành Đại công tước Hessen. Năm 1894, ông kết hôn với người em họ đầu tiên của mình, Công chúa Victoria Melita. Sau khi kết hôn, bà trở thành Nữ công tước Victoria của Hesse, là người phụ nữ tiếp theo sử dụng vương miện trong một số sự kiện quan trọng. Một trong số đó là chuyến đi vào năm 1896 khi nữ công tước đội vương miện trong lễ đăng quang của Sa hoàng Nicholas II và Tsarina Alexandra Feodorovna.
Vương miện "ma ám"
Về sau, nữ công tước ly hôn với Ernie và bà đã trả lại vương miện cho gia đình chồng. Người đội vương miện tiếp theo chính là vợ thứ 2 của Ernie, Công chúa Eleonore của Solms-Hohensolms-Lich.
Kể từ đó Eleonore và con dâu của bà là Công chúa Cecilie đều được trông thấy sử dụng vương miện trong các bức ảnh chân dung. Thật không may, vào năm 1937, một vụ tai nạn máy bay thảm khốc đã xảy ra giết chết nhiều thành viên của gia đình Hessen bao gồm cả Eleonore và Cecilie.
Chiếc vương miện được nhiều người khác sử dụng.
Sử sách ghi lại rằng: "Cecilie khi đó đã mang thai và không ai rõ số phận của đứa trẻ đó". Điều đáng sợ là chiếc vương miện có mặt trên máy bay tử thần lại không hề bị hư hại gì, nó vẫn còn nguyên vẹn.
Một người con khác của gia đình Hessen cũng đã qua đời vào năm 1939 vì bệnh viêm màng não. Nhiều người tin rằng, chiếc vương miện là món đồ "ma ám" đã dần dần hủy diệt một gia tộc lừng danh. Một số nguồn tin cho hay, sau đó chiếc vương miện được cho là trao lại cho Công chúa Margaret, em gái Nữ hoàng Anh nhưng chưa từng thấy bà sử dụng ở nơi công khai.
Hiện tại không rõ chủ sở hữu của chiếc vương miện này là ai. Vào năm 2009, một chiếc trâm kim cương hình thoi nhỏ đã được bán đấu giá tại Bonhams. Theo chủ sở hữu của nó chiếc trâm cài được tách từ phần trên cùng của vương miện này. Kể từ đó, không ai còn nhìn thấy chiếc vương miện xuất hiện nữa.
Theo truyền thông quốc tế, đây là chiếc vương miện mà hoàng gia Anh không bao giờ sử dụng ngay cả Nữ hoàng Anh cùng các thành viên trong gia đình cũng chưa được trông thấy đeo bao giờ. Nhiều người tin rằng chính vì những xui xẻo mà chiếc vương miện đem lại cho người sử dụng nên nó vĩnh viễn được cất giấu ở một nơi bí mật nào đó.
Tuy nhiên. số khác thì cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chiếc vương miện vô tình trở thành đồ vật bị gắn mác là "ma ám". Mặc dù vậy, trên thực tế, không ai còn được nhìn thấy hình dáng hiện tại của chiếc vương miện này nữa.