Khi con bước vào tuổi vị thành niên, cơ thể và tâm trí của trẻ sẽ bị chi phối mạnh mẽ bởi lượng hormone dẫn tới những thay đổi lớn trong hành vi và suy nghĩ. Vì thế trong thời điểm này trẻ dễ bốc đồng và thay đổi cảm xúc, ương bướng, không nghe lời cha mẹ.
1. Cha mẹ thích "đối đầu"
Ở trường hợp trên, nếu cha mẹ không lắng nghe, đặt mình vào vị trí của con mà khăng khăng đổ lỗi con không nghe lời sẽ khiến trẻ ngày càng cáu kỉnh, bướng bỉnh hơn.
Với các bé trai, hormone tiết ra trong cơ thể lứa tuổi vị thành niên mạnh và kéo dài nên thời kỳ "nổi loạn" thường dữ dội và lâu hơn, bắt đầu từ tuổi 12 và tiếp tục cho tới 18, 20 tuổi.
Trong giai đoạn này, những khẩu hiệu, mệnh lệnh của cha mẹ không còn tác dụng đối với trẻ. Sự đối đầu của cha mẹ chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và khiến chúng cảm thấy như đang bị khiêu khích. Hậu quả là trẻ sẽ làm trái lời để thách thức uy quyền của phụ huynh. Dần dần mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách.
Dạy con tuổi vị thành niên. (Ảnh minh hoạ)
2. Cha mẹ thích kiểm soát
Nghiên cứu tâm lý cho thấy với trẻ vị thành niên, điều quan trọng nhất là xác định cá tính của bản thân. Điều đó có nghĩa là trẻ cần xác định mình là người thế nào và bản thân có thể làm được gì.
"Ý thức về cá tính" này khiến trẻ háo hức được độc lập, đưa ra ý tưởng và quan điểm của riêng mình, tự kiểm soát cuộc sống và không muốn người khác kiểm soát mình.
Vì thế trẻ không thích khi bị cha mẹ kiểm soát. Nếu cha mẹ tự đưa ra quyết định rồi bắt con làm theo mà không hỏi ý kiến của chúng thì trẻ dễ có phản ứng tiêu cực và mối quan hệ của cha mẹ và con cái ngày càng xấu đi.
3. Cha mẹ thích nói chân lý
Nhà giáo dục Rousseau từng nhiều lần nhấn mạnh trong cuốn sách "Emile": Lý luận với trẻ là cách giáo dục kém hiệu quả nhất thế giới.
Trong tâm lý học có một thuật ngữ được gọi là "hiệu ứng quá giới hạn", nghĩa là "khi một người bị kích thích quá nhiều, quá mạnh hoặc ảnh hưởng quá lâu, sẽ sinh ra tâm lý nóng vội, thậm chí nổi loạn".
Trẻ vị thành niên đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ về nhận thức bản thân và "hiệu ứng quá giới hạn" sẽ càng rõ ràng với chúng hơn. Nếu cha mẹ luôn chọn cách nói thẳng sự thật với con thì không những không thuyết phục được mà còn dễ dàng dẫn tới tâm lý nổi loạn và hậu quả là con cái sẽ cố tình chống đối bố mẹ.
4. Cha mẹ "tiêu chuẩn kép"
"Tiêu chuẩn kép" ở đây nghĩa là cha mẹ khoan dung với bản thân song nghiêm khắc với con cái. Ví dụ, cha mẹ chơi điện thoại khi đang ăn nhưng con lại không được phép như vậy, cha mẹ không bao giờ đọc sách nhưng lại bắt con đọc sách.
Kiểu triết lý giáo dục "tiêu chuẩn kép" này thường dẫn tới việc trẻ không có được "đối tượng tham khảo" tốt. Lâu dần trẻ sẽ không nghe theo lời cha mẹ vì giữa lời nói và hành động của cha mẹ không nhất quán.
Cha mẹ không làm gương tốt cho trẻ, hành động và lời nói không đi đôi với nhau thì không thể giáo dục được con. Cha mẹ không nghiêm khắc với bản thân nhưng lại đòi hỏi con phải làm những điều mình không làm được, thì khó thuyết phục được trẻ làm theo, đặc biệt với trẻ vị thành niên.
Vì thế trong giáo dục con cái, nhất là khi con bước vào giai đoạn thay đổi, cha mẹ phải vừa là bạn đồng hành, vừa biết đồng cảm và chọn phương pháp mềm dẻo thay vì cứng rắn.
Vị thành niên là giai đoạn bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Ở ngưỡng cửa này, trẻ sẽ rất dễ bị lạc đường nếu không có sự giáo dục, định hướng tốt của bố mẹ.
Phụ huynh cần tinh tế để cảm nhận và thấu hiểu con, thậm chí chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của trẻ và giúp con vượt qua giai đoạn này. Cha mẹ hãy tôn trọng những đề xuất, ý kiến của trẻ, điều này giúp chúng thêm tự tin và hạnh phúc.