Cha mẹ cần lưu ý những lời khuyên này.
1. Đừng để con phơi bày thông tin cá nhân trên mạng
Tâm lý của rất nhiều thanh thiếu niên là mong muốn trở thành một phần của cộng đồng, do đó dễ dàng cung cấp thông tin về tuổi tác, ngày sinh, địa chỉ… ở đâu đó trên mạng. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người trên Internet đều có ý định tốt. Một số người sẽ lợi dụng thông tin này để làm điều xấu. Hãy nhắc nhở con không tiết lộ thông tin cá nhân cho người lạ, đặc biệt là khi người đó gây ra cảm giác không thoải mái.
2. Cung cấp danh sách về người con có thể tin tưởng
Thay vì chỉ nói “Đừng đi với người lạ”, hãy đưa cho con một danh sách những người con có thể tin tưởng và giúp con ghi nhớ kỹ.
3. Không ép buộc trẻ tiếp xúc thân thể với người lớn
Yêu cầu trẻ ôm hay thơm má người lớn có thể khiến trẻ khó chịu. Nếu bạn tiếp tục dạy trẻ cách chạm vào người khác ngay cả khi chúng không muốn, trẻ nguy cơ không biết mình có quyền từ chối khi bị lạm dụng.
Thay vào đó, hãy dạy trẻ thể hiện sự tôn trọng và lễ phép bằng cách chào hỏi, không nhất thiết có hành động thân mật đi kèm.
4. Dạy trẻ cách phân biệt bí mật và sự bất ngờ
Hãy để trẻ sớm biết cách nhận định đâu là một bí mật (kiểu mờ ám và có ý xấu) và một bất ngờ (với mục đích mang lại niềm vui cho người khác). Khi lớn lên, trẻ sẽ dần học được cách phân biệt các khái niệm phức tạp hơn, nhưng hãy định hướng cho trẻ từ khi còn nhỏ để tránh xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
5. Cho phép trẻ dùng bố mẹ như cái cớ
Chẳng hạn, trẻ có thể được mời đến một bữa tiệc mà mình không hề thích hoặc cảm thấy sẽ có chuyện không hay xảy ra, nhưng không tiện từ chối. Trong trường hợp đó, trẻ có thể thỏa thuận trước với bố mẹ là trẻ sẽ gọi điện xin phép, nhưng bố mẹ sẽ không đồng ý. Việc này giúp trẻ thoát khỏi tình huống không thoải mái mà không làm mất lòng bạn bè.
6. Không giúp đỡ người lạ mà không cân nhắc
Nếu một người lớn tiếp cận với trẻ và nói “giúp chú tìm con chó của chú với”, trẻ cần đề phòng. Người lớn thường có thể tự giải quyết vấn đề mà không nhờ đến một đứa trẻ xa lạ. Tương tự, khi ai đó muốn nhờ trẻ điền thông tin khảo sát hay thực hiện một thí nghiệm, hãy dạy trẻ cách từ chối hoặc hỏi xin ý kiến của bố mẹ trước.
7. Giải thích tại sao không nên làm việc gì đó
Thay vì cấm đoán trẻ hết việc này đến việc khác, bạn nên giải thích lý do trẻ không nên làm vậy. “Đừng đi xuống cầu thang một mình” cần đi kèm với câu “vì mẹ không thể đỡ con nếu con ngã”. “Đừng chạm vào thứ đó” sẽ thuyết phục hơn nếu bạn nói “vì nó có thể khiến con bị thương”.
8. Dạy con lắng nghe bản năng
Một đứa trẻ hòa đồng và thích xã giao thi thoảng vẫn có thể biểu hiện sự nhút nhát và “bám” bố mẹ. Đừng gạt chúng ra, bởi những khoảnh khắc đó có thể là khi bản năng của đứa trẻ lên tiếng: “Có gì đó không ổn lắm và con muốn ở gần mẹ, vì mẹ khiến con cảm thấy an toàn”. Hãy dạy trẻ cách tin tưởng bản năng của mình và khích lệ rằng điều đó là hoàn toàn bình thường.