Không phạm tội với lời nói của mình
Có lẽ trong thời đại ngày nay, chúng ta là người hiểu rõ hơn ai hết sức mạnh của lời nói đối với số phận của con người. Thời đại mạng xã hội khiến mỗi lời nói có thể đi rất xa và có tính sát thương mạnh hơn gấp nhiều lần nếu như nhận thêm sự hưởng ứng và đồng tình của đám đông.
Khi chúng ta gieo đi lời nói chứa độc tố, chính chúng ta là người dính độc trước tiên. Giống như loài rắn bản thân nó có độc, hay như loài nhím khi phóng lông gai tấn công thì nó cảm thấy đau đớn trước vậy.
(Ảnh: freepik)
Chính vì thế, hãy cẩn trọng với lời nói của chính mình, đặc biệt khi bạn muốn tổn thương một ai đó. Nếu ai cũng có thỏa hiệp này với chính mình, thì thế giới sẽ không còn tồn tại những lời nói ác ý, những câu bông đùa hay những khoảng thời gian mà chúng ta dành để đàm tiếu về nhau. Và chúng ta cũng sẽ không còn chứng kiến cảnh sụp đổ của một ai đó chỉ vì những ác ý mà họ vô tình nhận được. Chúng ta giải thoát cho chính mình, và cũng giải thoát cho nhau.
Không quy mọi việc về mình
Bản thân mình không phải cái rốn của vũ trụ. Những gì người khác nói hay làm đều không phải vì ai. Những điều người khác nói, suy nghĩ, và hành động đều xuất phát từ thế giới quan của riêng họ. Khi chúng ta vơ tất cả về mình, vô tình chúng ta phải chịu đựng sự giày vò trong tâm hồn, hay thậm chí tự coi mình là nạn nhân.
(Ảnh: johnholcroft)
Khi gửi một lời nhắn yêu thương mà không được sự hồi đáp, hãy cố gắng nghĩ rằng người nhận có thể bận rộn chưa có thời gian đáp lại, hoặc họ đọc xong quên mất. Nếu nghĩ họ coi thường mình mà không trả lời, thì lúc đó bạn đang tự tra tấn bản thân, rồi sinh ra muộn phiền.
“Just chill’’ – hãy cứ vô tư đi, họ có cái bận tâm riêng, chẳng liên quan gì đến mình. Khi áp dụng câu thần chú ấy, mọi lời phán xét, nhận định trở nên nhẹ bẫng. Không ai có thời gian bận tâm chuyện của bạn, bởi họ còn có cuộc đời riêng để lo.
Không suy đoán
Ai trong chúng ta cũng có xu hướng quy chụp một sự vật, sự việc dựa trên thế giới quan của riêng mình. Việc “trông mặt mà bắt hình dong” dễ khiến chúng ta giới hạn sự phong phú của chính mình. Bởi lẽ đôi khi, sự quy chụp thiếu căn cứ sẽ khiến chúng ta bỏ qua một người hoặc một cơ hội. Nếu như ta vội vàng phán xét một ai đó, mà nếu điều đó để lại hậu quả nghiêm trọng thì chắc hẳn chúng ta sẽ vô cùng hối hận về sau.
(Ảnh: Maggie Chiang)
Chúng ta nên khuyến khích đặt câu hỏi và diễn đạt chính xác những gì mình muốn. Giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, tránh vòng vo gây ra hiểu lầm, tổn thương và những rắc rối không đáng có. Hãy trang bị cho bản thân một đầu óc mở để dễ dàng tiếp nhận thông tin và những gì xảy đến một cách cởi mở. Đó chính là cách chúng ta dần mở rộng cuộc sống muôn màu muôn vẻ xung quanh mình.
Luôn làm hết khả năng của mình
Cách dễ dàng nhất để làm một việc gì đó là làm bằng hết khả năng của mình. Vì nếu bạn thành công, đó sẽ là niềm hạnh phúc, còn khi bạn thất bại, bạn sẽ không quá thất vọng vì đó là tất cả những gì bạn có thể.
(Ảnh: Dribbble)
Làm hết sức nghĩa là cố gắng đến mức có thể trong phạm vi khả năng của bản thân. Phải lấy sức khoẻ làm ưu tiên bởi sự cố gắng sẽ thay đổi theo từng ngày. Mà phải khoẻ về tinh thần lẫn thể chất rồi mới có năng lượng để làm hết sức.
Mặc cho kết quả thế nào, luôn làm hết sức mình. Nếu bạn làm quá sức, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và không muốn làm tiếp. Nếu bạn làm dưới khả năng của mình, bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Vì vậy, điều tốt nhất ta có thể là làm hết khả năng của mình.