Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

3 cách ăn uống kiêng khem sai lầm rất có hại, tiếc rằng nhiều người đang áp dụng

(VTC News) -

Một số kinh nghiệm kiêng khem mà mọi người thường truyền miệng nhau là kiến thức sai lầm, nếu làm theo sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Một nghiên cứu lâm sàng cho thấy, nếu một bệnh nhân được khuyên không nên ăn thứ này thứ kia thì thường rất quan tâm và chú ý làm theo. Việc kiêng khem có thể tốt cho sức khỏe, song nên tìm hiểu kỹ càng để áp dụng chính xác.

Trên thực tế, một số kinh nghiệm kiêng khem mà mọi người thường truyền miệng nhau lại là kiến thức sai lầm. Nếu làm theo không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, mà còn mang đến nhiều vấn đề "lợi bất cập hại". Dưới đây là ba kiểu "kiêng khem" sai cách mà nhiều người mắc phải.

1, Người bị rối loạn lipid máu (máu nhiễm mỡ) kiêng ăn thịt

 

Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân mỡ máu cao. Để kiểm soát lipid máu, nhiều người tránh ăn tất cả các thực phẩm giàu đạm như đậu nành, thịt, cá, trứng, sữa... Trên thực tế, việc kiêng khem này không những không giúp cải thiện bệnh, mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng suy nội tạng do suy dinh dưỡng.

Thực phẩm từ động vật là nguồn cung cấp protein, khoáng chất và vitamin B. Nếu kiêng ăn thực phẩm từ động vật vì chúng có nhiều lipid, có thể gây ra nhiều bệnh trong đó có teo cơ và loãng xương.

Mấu chốt của dinh dưỡng nằm ở chế độ ăn uống cân bằng, dù có lipid máu bất thường cũng cần ăn thực phẩm từ động vật theo lượng vừa phải. Nên chọn ăn cá, tôm, thịt gia cầm, thịt nạc, khi ăn thịt gia cầm nên bỏ da. Đồng thời, lưu ý không ăn các thức ăn có hàm lượng cholesterol cao như cua ghẹ, nội tạng động vật...

Ăn cá đúng cách có thể hấp thụ axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe, không những không làm tăng lipid máu mà còn giúp kiểm soát lipid máu. Nếu không có chống chỉ định đặc biệt nào khác, bạn có thể ăn trung bình 40-75 gam thủy sản mỗi ngày (cân nặng khi tươi).

2, Bị cảm lạnh kiêng ăn trứng

 

Nhiều người cho rằng không nên ăn trứng khi bị cảm, sốt, nếu không sẽ khiến bệnh tình trầm trọng hơn. Trên thực tế, lo lắng này là thừa.

Ăn trứng khi bị cảm sẽ làm tăng nhiệt lượng cơ thể, vì khi trứng bị oxy hóa phân giải trong cơ thể, nó sẽ tự giải phóng nhiệt năng và kích thích cơ thể sinh thêm nhiệt. Tuy nhiên, tác động của nhiệt lượng này là không đáng kể và không đủ gây ra sự dao động nghiêm trọng về nhiệt độ cơ thể hoặc làm chậm quá trình hồi phục sau cảm lạnh.

Ngược lại, khi bị cảm sốt, cơ thể con người tiêu hao nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm sút, việc bổ sung hợp lý những thực phẩm có hàm lượng đạm tương đối cao như trứng sẽ rất tốt cho sự phục hồi của cơ thể.

3, Bị tiểu đường kiêng ăn trái cây

 

Trái cây là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Trong trái cây có chứa vitamin, muối vô cơ và chất xơ, vì thế nếu không có yêu cầu kiêng khem đặc biệt từ bác sĩ thì khuyến khích mọi người nên ăn.

Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng, bệnh nhân tiểu đường ăn trái cây đúng cách có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong và các biến chứng khác nhau. Tất nhiên, nếu lượng đường huyết trong cơ thể không ổn định và thường xuyên biến động, thì việc ưu tiên hàng đầu vẫn là kiểm soát đường huyết, tốt nhất không nên ăn trái cây vào thời điểm này.

Nếu cơ thể đáp ứng đủ 3 điều kiện: lượng đường huyết lúc đói dưới 7 mmol/L, lượng đường huyết 2 giờ sau bữa ăn dưới 11 mmol/L và huyết sắc tố glycated dưới 7,0%, thì có thể ăn trái cây.

Bệnh nhân tiểu đường có thể ăn từ 150-200 gam (khối lượng tịnh) trái cây mỗi ngày. Các loại quả như dưa hấu, chanh, dưa gang, dâu tây, cherry, bưởi, đào, mận, mơ, dưa lưới… chứa tương đối ít đường.

Tất nhiên để an toàn, bệnh nhân tiểu đường có thể đo đường huyết 2 giờ trước và sau khi ăn trái cây, để xem việc ăn trái cây có ảnh hưởng gì đến lượng đường trong máu hay không và tìm loại hoa quả phù hợp với mình.

Lan Hương (Nguồn: health.people)

Tin mới