Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam (thuộc Bộ Quốc phòng) cho biết Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo cho cục chuẩn bị lực lượng công binh 295 người.
“Lực lượng này đang tập huấn tại Bộ Tư lệnh Công binh rồi, vừa rồi Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đã vào và tập huấn ba lần cho họ”, ông Phụng nói với Zing. “Chúng tôi cũng phối hợp với các nước đối tác để xây dựng các chương trình tập huấn cho lực lượng này”.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhận 232 triệu đồng tiền ủng hộ từ Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, trao số tiền này. Ảnh: Trọng Thuấn.
Ông Phụng trao đổi với Zing bên lề buổi lễ chiều 15/5 tại trụ sở Cục Gìn giữ Hòa bình ở Thạch Thất, Hà Nội, trong đó cục tiếp nhận 232 triệu đồng tiền ủng hộ từ Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, gửi đến các quân nhân đang làm nhiệm vụ ở Nam Sudan và CH Trung Phi.
Thời gian, phái bộ triển khai công binh phụ thuộc LHQ
Việt Nam tham gia hai phái bộ gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan từ năm 2014, trong tổng số 14 phái bộ của Liên Hợp Quốc, ban đầu theo hình thức “cá nhân”, gần đây hơn là hai bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan.
Tổng cộng Việt Nam đã cử gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ (14,6% là nữ), theo thiếu tướng Phụng. Sắp tới, việc triển khai lực lượng công binh khi nào và tới phái bộ ở quốc gia nào sẽ còn phụ thuộc nhu cầu của Liên Hợp Quốc.
“Còn phụ thuộc thời gian dịch COVID-19 kéo dài đến đâu, phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của các phái bộ Liên Hợp Quốc đối với các lực lượng công binh của chúng ta, nhưng về tâm thế, trang thiết bị, con người, chúng ta đã sẵn sàng để cử đội công binh 295 người đi”, ông nói.
Phía Việt Nam sẽ nghiên cứu phái bộ của Liên Hợp Quốc có phù hợp với năng lực của Việt Nam hay không, khả năng hoàn thành nhiệm vụ đến đâu.
“Chúng ta giữ quyền độc lập tự chủ trong việc cử các lực lượng tham gia các hoạt động mà chúng ta có khả năng. Định hình khả năng tham gia đến đâu là quyền hạn của chúng ta”, ông nói.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cảm ơn sự ủng hộ dành cho các sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Ảnh: Trọng Thuấn.
Sẽ hoàn tất bệnh viện dã chiến số 3 ở Nam Sudan
Việt Nam cũng đang huấn luyện và chuẩn bị bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, sẽ thay thế cho bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 ở Nam Sudan. Theo lộ trình, bệnh viện số 2 sẽ kết thúc nhiệm kỳ một năm ở Nam Sudan vào tháng 11/2020, và bệnh viện dã chiến số 3 “sẽ phải sẵn sàng vào tháng 11/2020 để thay thế”.
“Tuy nhiên, dịch COVID-19 làm nước chủ nhà, làm phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan lùi lại thời gian thay quân một số đơn vị”, cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình cho biết. “Họ cũng chưa nói chính thức chúng ta thay quân vào thời điểm nào, sắp tới cục sẽ phối hợp với Liên Hợp Quốc về thời gian”.
“Nhưng về cơ bản, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị, kể cả tập huấn, đào tạo, năng lực tiếng Anh, con người, trang thiết bị để chúng ta có thể triển khai vào tháng 11/2020”, ông Phụng khẳng định.
Các bên ở Nam Sudan đạt thỏa thuận hòa bình vào tháng 9/2018, nhất trí thành lập chính phủ đoàn kết, nhưng đến nay vẫn còn một số nội dung tồn tại. Ngày 7/5, Đặc phái viên LHQ, cũng là người đừng đầu phái bộ LHQ tại Nam Sudan David Shearer lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo nước này đẩy nhanh tiến trình hòa bình.
Quân nhân Việt Nam cùng quân nhân các nước tại phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Cục gìn giữ Hòa bình Việt Nam.
Tỷ lệ “xuất sắc” của cán bộ Việt Nam vượt trội
Thiếu tướng Phụng cũng khen ngợi các hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam trong thời gian qua, nêu ra tỷ lệ hơn 31% sĩ quan, không tính những người ở bệnh viện dã chiến, đã đạt đánh giá “đặc biệt xuất sắc” của Liên Hợp Quốc, mà ông cho là vượt trội so với nhiều quốc gia khác.
“Cho đến nay, chúng ta đã triển khai 43 sĩ quan theo hình thức cá nhân, tức là quan sát viên, hay các sĩ quan về tham mưu, phân tích tình báo, hậu cần, đảm bảo, trang bị, tập huấn. 29 đồng chí đã về nước, trong đó có 9 đồng chí trong đó đạt ‘đặc biệt xuất sắc’, tức tỷ lệ hơn 31%”, ông Phụng cho biết.
Ông nói bệnh viện dã chiến của Việt Nam cũng “để lại dấu ấn lớn” khi chữa trị số lượng bệnh nhân nhiều hơn các bệnh viện tương đương.
“Bình quân một bệnh viện dã chiến cấp 2 tương đương bệnh viện của ta mỗi năm thu dung và điều trị khoảng 200 bệnh nhân, thì chúng ta thu dung và điều trị 2.022 bệnh nhân, trong khoảng thời gian hơn 12 tháng một chút”, ông nêu số liệu. “Tức là khoảng gấp 10 lần so với bệnh viện bình thường”.
Thông tin trên trang web của Cục Gìn giữ Hòa bình cho biết trong khoảng thời gian ba tháng đầu tại phái bộ Nam Sudan, tính từ tháng 11/2019, bệnh viện dã chiến số 2 của Việt Nam có tổng số lượt khám và điều trị là gần 530 ca (12 ca nội trú, 515 ca ngoại trú). Bệnh viện thực hiện 4 ca tiểu phẫu, 1 ca trung phẫu và 1 ca đại phẫu, thực hiện vận chuyển đường không 3 bệnh nhân nặng lên bệnh viện tuyến trên.
Ông khen ngợi các sĩ quan của Việt Nam đã kế thừa kinh nghiệm từ thời chiến tranh, được đào tạo bài bản, được tuyển chọn trong toàn quân, sau đó về Cục Gìn giữ Hòa bình để tập huấn các kỹ năng mềm, các kỹ năng xử lý, một số ra nước ngoài tập huấn.
“Chúng ta khuyến khích anh em có các biện pháp giao lưu với người dân nước sở tại, tất nhiên phải đảm bảo an toàn. Sự gần dân tạo điều kiện để chúng ta hỗ trợ người dân... chẳng hạn có buổi dạy học không chính thức đối với trẻ em”, ông Phụng nói.
Đối với Thiếu tướng Phụng, việc tham gia gìn giữ hòa bình tạo nên “diện mạo” mới cho Việt Nam về đất nước nhân hậu, chuộng hòa bình, trải qua chiến tranh và quay lại trả ơn.
Ông nhắc tới chuyến thăm tới trụ sở cục của một đoàn Tanzania, quốc gia đã huy động nhân dân ủng hộ tiền và lương thực cho khi Việt Nam đang chiến tranh.
“Ngày nay, họ thấy ta đưa quân sang hỗ trợ các dân tộc châu Phi, thì họ thấy đây là nghĩa cử có trước có sau”, ông nói. “Ngày nay chúng ta có hòa bình, kinh tế, chúng ta quay lại góp phần xây dựng hòa bình ở các mảnh đất còn đang chịu hậu quả chiến tranh”.