Laurence Van Wassenhove được công ty France Telecom tuyển dụng làm công chức vào năm 1993. Người quản lý trực tiếp biết cô bị liệt nửa mặt và liệt nhẹ ở tay bẩm sinh do chứng động kinh nên đã sắp xếp cho cô một vị trí phù hợp với tình trạng bệnh lý.
Sau đó, tập đoàn Orange mua lại công ty này. Laurence tiếp tục làm thư ký trong phòng nhân sự cho đến năm 2002. Vì lý do cá nhân, cô xin được chuyển đến chi nhánh tại một vùng khác của nước Pháp. Yêu cầu của cô được chấp thuận, nhưng công việc mới không hề phù hợp. Một báo cáo về y học nghề nghiệp đã xác nhận rằng cô không thể làm các tác vụ ở vị trí được công ty chỉ định.
Mặc dù vậy, tập đoàn Orange không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với vị trí công việc của Laurence. Họ trả đầy đủ lương cho cô trong 20 năm nhưng không giao nhiệm vụ hay công việc gì.
Nhiều công ty có thái độ kỳ thị lao động là người khuyết tật. (Ảnh minh họa: Unsplash)
Bị công ty phớt lờ hoàn toàn những đề nghị của mình suốt nhiều năm, người phụ nữ khuyết tật đã phải tự mình báo cáo tình hình tới Cơ quan cấp cao về Chống phân biệt đối xử. Năm 2015, tập đoàn Orange thuê một hòa giải viên với nhiệm vụ giải quyết tình hình rối ren này, nhưng sau đó tình hình không hề được cải thiện. Công ty tiếp tục trả lương mà vẫn không giao việc cho Laurence.
Các luật sư của Laurence cho rằng "gã khổng lồ viễn thông" Orange đang cố ép cô nghỉ việc. Ông nói: “Họ thích trả tiền hơn là để cô ấy làm việc”. Luật sư cho biết thân chủ của ông đã đệ đơn kiện công ty và 4 người quản lý vì vi phạm đạo đức và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Laurence và luật sư cho rằng cách đối xử của tập đoàn Orange suốt 20 năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của cô.
Luật sư nói: “Việc làm cho người khuyết tật nghĩa là họ có một vị trí trong xã hội, được công nhận và có cơ hội kết nối thêm nhiều mối quan hệ xã hội mới”. Trong trường hợp cụ thể này, Laurence Van Wassenhove không nhận được tất cả những điều trên và bị “ngó lơ” suốt 20 năm.