Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD), hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
Các số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Dù mức tăng trưởng đạt hai con số nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 19,4% của cùng kỳ năm 2017 và bằng 48% kế hoạch năm.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 14,6 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 15,7 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 12,9 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm đã có 20 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng tỷ đô
Như vậy, có thể thấy, xuất khẩu 6 tháng đầu năm có những điểm tích cực được thể hiện qua mức tăng trưởng của xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 33,1 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, theo dõi số liệu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018, cho thấy xuất khẩu tăng cao ở quý 1 (tăng 24%) nhưng giảm đà tăng trưởng trong quý 2 (cả quý 2 tăng 10%). Đáng chú ý, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu mức tăng trưởng của xuất khẩu điện thoại đã tác động khá lớn đến sự thay đổi mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa quý 1 và quý 2.
Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong quý 1/2018 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 62% trong khi quý 2 chỉ đạt 9,9 tỷ USD, giảm 15,5%. Sự thay đổi về tăng trưởng kim ngạch này xuất phát từ sự thay đổi về thời điểm xuất bán sản phẩm điện thoại mới trong hai năm 2017 và 2018, không thể hiện sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu. Thực tế, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại trong 6 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Với nhóm hàng nông sản, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD. Thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD; hạt điều và gạo ước có mức tăng trưởng cao cả về lượng và kim ngạch. Hạt điều ước tăng 18,0% về lượng và 17,6% về kim ngạch, đạt trị giá 1,41 tỷ USD, gạo ước tăng 44,3% về kim ngạch và 26,2% về lượng, đạt trị giá 1,84 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho hay, giá xuất khẩu nông sản trong năm 2018 không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đã giảm mạnh làm giảm kim ngạch xuất khẩu như cà phê có giá giảm 14,2% khiến kim ngạch giảm 6% dù lượng tăng 9,6%; giá hạt tiêu giảm 39,3% làm kim ngạch giảm 35,7% dù lượng tăng 5,9%; giá cao su giảm 21,3% làm kim ngạch giảm 8,3% dù lượng tăng 16,6%.
“Tính chung cả nhóm nông sản, thủy sản (không kể hai mặt hàng không thống kê về lượng xuất khẩu), giá xuất khẩu giảm đã làm kim ngạch giảm 431 triệu USD, trong khi lượng xuất khẩu tăng góp phần kim ngạch tăng 860 triệu USD”, Bộ Công Thương cho hay.
Theo Bộ Công Thương, trong trường hợp bối cảnh chính trị, kinh tế trong và ngoài nước năm 2018 tiếp tục giữ xu hướng thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng thuận lợi nhiều hơn như hiện tại, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.
Video: Đàn cá lạ cho người nông dân 500.000 USD mỗi năm
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng. Trong đó, nhóm hàng điện tử dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ việc Samsung tiếp tục xuất bán sản phẩm mới trong quý III/2018 và việc dự án Samsung Display tiếp tục đẩy mạnh sản xuất màn hình phục vụ xuất khẩu.
Dù có thuận lợi nhưng dự báo trong các tháng cuối năm, xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trong đó đáng chú ý là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu.
“Việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ Công Thương nhận định.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018 như: điện thoại và linh kiện ước đạt 50 tỷ USD (tăng khoảng 10,4%); máy vi tính và linh kiện ước đạt 30 tỷ USD (tăng khoảng 15,6%); hàng dệt, may ước đạt 28,5 tỷ USD (tăng khoảng 9,5%); giày dép ước đạt 16 tỷ USD (tăng khoảng 9,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 14,7 tỷ USD (tăng khoảng 15%). Về nhập khẩu, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 240 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2017.