Tính đến hết ngày 13/7, quận Bình Tân đứng đầu thành phố về nguy cơ lây nhiễm rất cao với 2.188 người mắc COVID-19, tiếp theo là huyện Bình Chánh với 2.102 ca bệnh.
Các địa phương ghi nhận trên 1.000 ca bệnh gồm: quận 8 (1.762), huyện Hóc Môn (1.132), TP Thủ Đức (1.301).
Còn lại các quận, huyện cũng có nguy cơ lây nhiễm rất cao khi ghi nhận nhiều ca COVID-19 gồm: quận 4 (770), quận 1 (732), Tân Bình (659), Bình Thạnh (582), Gò Vấp (574), Tân Phú (554), quận 12 (531), quận 7 (525), quận 10 (491), quận 6 (478), quận 11 (362), quận 5 (351), huyện Nhà Bè (277), Phú Nhuận (151), quận 3 (141).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 18h ngày 13/7 đến 6h ngày 14/7, thành phố ghi nhận thêm 666 người mắc COVID-19 mới được Bộ Y tế công bố, nâng tổng số ca COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay lên tới 17.239 người.
Trong 666 ca mắc mới gồm 458 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 208 người đang điều tra dịch tễ.
HCDC cho biết, thành phố sẽ thí điểm cách ly tại nhà với F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 10 âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp (CT value ≥ 30) và tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Riêng F0 không triệu chứng là nhân viên y tế sẽ được cách ly tại nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống lây nhiễm, tự theo dõi, báo cáo tình trạng sức khỏe hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Đối với F1 ở vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày 7, nếu âm tính thì xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú.
Để giảm tải nhu cầu hàng hóa tại siêu thị, các địa phương có thể xem xét tận dụng cơ sở vật chất tại các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động để bố trí cho 2 - 10 tiểu thương có kinh nghiệm, năng lực kinh doanh thực phẩm tươi sống và có xét nghiệm âm tính COVID-19 thực hiện buôn bán giãn cách.
Người dân sẽ được phát phiếu mua hàng theo giờ, không tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương để đảm bảo phòng chống dịch.
Việc áp dụng Chỉ thị 16 là điều kiện cần để tạo môi trường thuận lợi nhằm tăng cường và siết chặt các giải pháp khác, nhất là việc truy vết và tìm ra các F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.
Tận dụng 10 ngày còn lại của khoảng “thời gian vàng” này, thành phố kêu gọi toàn thể người dân tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch, sớm đưa thành phố trở lại bình yên, khôi phục và phát triển kinh tế. Dù tình huống nào xảy ra, thành phố luôn đặt ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết!