(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.
Sau 13 năm chờ đợi, cuối cùng bom tấn Avatar: The Way of Water cũng ra mắt trước sự háo hức của khán giả toàn cầu. Song, tác phẩm tạo ra những luồng ý kiến đánh giá khác nhau từ phía người xem lẫn giới phê bình.
Nhiều ý kiến đồng thuận đây là tuyệt tác điện ảnh, đạo diễn James Cameron lại tiếp tục tạo nên một đỉnh cao mới trong sự nghiệp làm phim gần 5 thập niên của mình. Số khác cho rằng tác phẩm ấn tượng về hình ảnh nhưng thiếu đột phá về mặt nội dung, chưa thực sự xứng tầm với khoảng thời gian dài sản xuất và mức kinh phí trên dưới 400 triệu USD.
Với điểm số trung bình từ phía phê bình ở mức 78%, Avatar: The Way of Water dễ dàng nhận chứng chỉ “Tươi” trên chuyên trang Rotten Tomatoes. Tuy nhiên, con số này thấp hơn hẳn so với phần tiền nhiệm (82%) và cũng chưa đủ ấn tượng để được xem là một tác phẩm xuất sắc.
Thực tế, có lẽ nhiều người vẫn chưa biết đạo diễn James Cameron vốn đã lên ý tưởng thực hiện Avatar 2 từ rất lâu, trước cả khi ông bắt tay làm phần đầu. Từ năm 2006, đạo diễn đã mạnh dạn chia sẻ ý định biến Avatar thành một thương hiệu điện ảnh, xây dựng “vũ trụ” riêng trước cả khi các Vũ trụ Điện ảnh Marvel, Vũ trụ DC mở rộng xuất hiện.
Có lẽ chính vì ấp ủ quá lâu, câu chuyện trong Avatar 2 lại không có quá nhiều điều mới mẻ. Kịch bản phim nối tiếp những sự kiện từ phần trước. Sau khi Jake Sully (Sam Worthington) lựa chọn rời bỏ quê hương Trái Đất để ở lại hành tinh Pandora, chung sống cùng chủng loài Na'vi. Nhân vật kết hôn với công chúa Neytiri (Zoe Saldana), từ đó xây dựng gia đình hạnh phúc với 4 người con.
Chuyện phim mở rộng số phận Jake Sully (Sam Worthington) khi anh làm cha, nuôi dạy các con trưởng thành.
Những tưởng mọi chuyện đều đã suôn sẻ, bình yên sẽ tồn tại mãi mãi với người Na'vi thì biến cố lại ập đến: Loài người trở lại với mong muốn chiếm trọn Pandora một lần nữa.
Về cơ bản, câu chuyện trong Avatar 2 khá đơn giản và dễ đoán. Ý tưởng thiếu bất ngờ và gần như tương tự phần một, chỉ khác bối cảnh, thêm nhân vật và cài cắm nhiều tình tiết mới. Thậm chí, bất kỳ ai cũng có thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra sau khi phần một kết thúc.
Kịch bản phim vẫn đi theo mô-típ quen thuộc của dòng phim hành động. Công thức phần đầu gần như lặp lại khi biên kịch để cho hai tuyến thiện – ác đối đầu trong những trận chiến căng thẳng, nảy lửa.
Đạo diễn kiêm đồng biên kịch James Cameron phải liên tục thêm thắt gia vị để dẫn dắt khán giả đi hết hành trình dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Jake Sully trở thành điểm nhấn của cả phim. Bên cạnh những người con ruột, họ còn có cô con nuôi bí ẩn tên Kiri (Sigourney Weaver).
Nhưng đến cuối cùng, bỏ đi những cảnh chiến trận thì Avatar 2 cũng chỉ là một bộ phim tình cảm gia đình được xây dựng khiên cưỡng, lồng ghép nhiều tình tiết nhân văn để lay động trái tim khán giả. Vấn đề là điện ảnh vốn đã có rất nhiều tác phẩm xuất sắc kể về tình cảm gia đình như thế.
Nhiều yếu tố trong phim còn được lồng ghép khiên cưỡng.
Khi thẳng thừng chấm phim 2/5 sao, tác giả Mark Kermode của tờ Observer đánh giá đây là một tác phẩm ì ạch, thiếu sự hài hước, được điều khiển bằng công nghệ. Thậm chí, kịch bản còn vụng về hơn phần tiền nhiệm.
Tác giả cũng cho rằng thông điệp trong phim rất cũ và sáo mòn. James Cameron liên tục lồng ghép những phép ẩn dụ về tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân, kêu gọi bảo vệ môi trường. Tất cả những ý nghĩa này đều đã được lột tả trọn vẹn ngay trong phần đầu, nên bị lặp lại với phần hậu truyện.
Trong Avatar 2, Jake Sully (Sam Worthington) có sự thay đổi lớn trong suy nghĩ lẫn tâm lý. Anh không còn là chàng trai bị hớp hồn bởi cô gái Na’vi, mà giờ đây đã là người cha, đóng vai trò trụ cột gia đình, phải tìm cách bảo vệ từng thành viên trong nhà.
Nhân vật cũng không được xây dựng theo hình tượng người hùng mà có phần đời hơn, gần gũi hơn. Một mặt, anh phải đứng ra dẫn dắt người Na’vi đương đầu cuộc chiến với người Trái Đất. Mặt khác, nhân vật cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, bảo vệ gia đình.
Jake Sully phải tìm cách học làm cha, dạy những đứa con bướng bỉnh, đang ở độ tuổi dậy thì bài học trưởng thành. Song, cách ê-kíp xây dựng nhân vật trong phần hai có phần gượng ép.
Người chưa xem phần đầu sẽ thấy một Jake Sully xa lạ, nói những lời thoại khuôn mẫu. Người đã xem chưa thể nhận ra khoảng cách 13 năm được lấp đầy mượt mà, để Jake Sully từ chàng trai độc thân trở thành người cha chín chắn ra sao.
Các nhân vật trong phim chưa được xây dựng sâu sắc dù thời lượng khá dài.
Không chỉ có Jake Sully, các nhân vật khác cũng được xây dựng khá mờ nhạt. Điển hình là các thành viên trong gia đình anh. Trên IMDb, có không ít khán giả để lại bình luận cho rằng khó thể phân biệt được từng thành viên trong khoảng nửa đầu phim vì các nhân vật quá giống nhau.
Cây viết phê bình kỳ cựu Richard Brody của tờ New Yorker đã thẳng thừng chỉ ra điểm yếu này trong kịch bản của James Cameron. Ông cho rằng nhiều tình tiết trong phim bị lạc đề và không thực sự quan trọng. Chúng cũng không giúp phát triển nhân vật hay khơi gợi tâm lý. Trái lại, bộ phim chủ yếu chỉ tập trung nhiều vào việc đầu tư phần nhìn, xây dựng những khung hình đẹp.
Hơn nữa, phản diện trong Avatar 2 cũng chưa sâu sắc. Ở phần trước, Stephen Lang gây ấn tượng mạnh với vai Đại tá Miles Quaritch. Đó là một nhân vật độc ác và tàn bạo nhưng rất đỗi con người. Từ lần đầu xuất hiện đến cảnh chiến trận căng thẳng ở cuối đều khiến người xem khiếp đảm, sợ hãi.
Đến phần hai, ê-kíp không tạo ra một nhân vật phản diện mới mà tìm cách giúp Miles Quaritch sống lại, bằng một cách nào đó dưới hình dạng người Na’vi. Điều này khiến nhân vật vốn quen thuộc cũng bỗng trở nên xa lạ. Tính cách độc ác trước đây cũng phần nào sụt giảm, chỉ còn sự lưỡng lự và lập lờ trong động cơ hành động.
Ngoài ra, sự xuất hiện của Kate Winslet khá mờ nhạt, dù cô vốn là một trong những quân bài câu kéo khán giả ra rạp, hứa hẹn tạo nhiều bất ngờ ở phần hai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy minh tinh không cần thiết phải cố gắng tham gia để tập lặn và quay phim dưới nước. Ê-kíp hoàn toàn có thể mời một diễn viên vô danh cũng có thể đảm bảo nhân vật được tái hiện tốt trên màn ảnh rộng.
Đại tá Miles Quaritch (Stephen Lang) trở lại nhưng mờ nhạt hơn xưa.
Bản thân James Cameron là người khá mát tay với những phần hậu truyện. Tác phẩm đầu tay của ông là Piranha II: The Spawning (1982) – hậu truyện của Piranha (1978). Sau đó, nhà làm phim người Canada tiếp tục gây tiếng vang với Aliens (1986) – hậu truyện của cuốn phim kinh điển Alien (1979).
Đỉnh điểm phải là Terminator 2: Judgment Day (1991) khi đạo diễn quyết định tự vượt qua thành tích chính mình trước đó trong The Terminator (1984). Kết quả, phim thành công vang dội khi ra mắt tại phòng vé với hơn 500 triệu USD, nhận về 4/6 giải Oscar 1992.
Do đó, việc Avatar 2 được chờ đợi là điều tất yếu, nhất là sau thành công rực rỡ của phần một – hiện đứng đầu danh sách các phim ăn khách nhất mọi thời.
Điểm đáng tiếc là bản thân câu chuyện trong Avatar vốn đã kết thúc khá tròn trịa nên việc làm thêm phần hậu truyện gần như là không cần thiết, nếu chỉ đơn giản theo cách của James Cameron. Sau khi xem xong phim, nhiều người cũng không có cảm giác háo hức để đón chờ phần 3, phần 4 thậm chí là phần 5.
Nhìn chung, Avatar 2 vẫn là một trải nghiệm điện ảnh độc đáo và choáng ngợp. Tuy nhiên, kịch bản và cốt truyện mỏng lại là điểm hạn chế, khiến phim mất nhiều điểm với giới phê bình.