Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

10X ‘không chuyên’ trúng tuyển vào trường âm nhạc hàng đầu nước Mỹ

Chưa từng theo học tại nhạc viện nhưng Thanh Phong vẫn nhận được thư trúng tuyển từ Berklee - ngôi trường đào tạo âm nhạc hàng đầu nước Mỹ.

Phùng Thanh Phong (SN 2005, học sinh Trường TH School) vừa nhận được thư trúng tuyển Học viện âm nhạc Berklee (Berklee College of Music), một trong những ngôi trường đào tạo âm nhạc đương đại lớn nhất toàn cầu. Đây cũng là “lò đào tạo” ra nhiều tên tuổi lớn của nền âm nhạc thế giới.

Phùng Thanh Phong vừa trúng tuyển Học viện âm nhạc Berklee (Mỹ).

Đến với piano từ năm 4 tuổi, khi ấy, mẹ của Phong thử cho con chơi đàn với mong muốn rèn sự sáng tạo và tính kiên trì. Nhưng cậu bé lại tỏ ra thích thú với những phím đàn, thậm chí luôn cố gắng chơi piano hàng ngày.

Gia đình không ai theo âm nhạc, thấy Phong có năng khiếu, nhiều người động viên bố mẹ cậu nên tìm cho con một người dẫn dắt để luyện tập piano chuyên nghiệp hơn. Năm lớp 3, Phong bắt đầu nghiêm túc theo học một số thầy cô tại Nhạc viện và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

“Tuy nhiên, việc tập piano khi ấy mới chỉ dừng lại ở sở thích. Nhờ piano, trong quãng thời gian học tại Đoàn Thị Điểm, em có hai năm liên tiếp giành quán quân cuộc thi năng khiếu của trường. Mặc dù đây chỉ là giải thưởng nhỏ nhưng lại là tiền đề giúp em hứng thú hơn với bộ môn này”. 

Với Phong, mỗi khi đánh đàn, cậu cảm thấy mình “như được thoát ra khỏi thế giới xung quanh, chỉ còn đắm chìm vào những nốt nhạc”.

Chơi piano như một sở thích, Phong chưa từng nghĩ tới việc sẽ thử sức ở các cuộc thi lớn trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, năm 2019, khi đang học lớp 9, Phong được cô giáo dạy piano động viên tham gia Liên hoan nghệ thuật châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Arts Festival) được tổ chức tại Singapore. Bố mẹ muốn Phong thử sức nên đã tạo điều kiện cho con dự thi.

Lần đầu đứng trên sân khấu quốc tế, trước nhiều bạn chỉ trạc tuổi mình nhưng lại sở hữu bảng thành tích dày đặc giải thưởng, huy chương về piano, Phong “vừa đánh vừa run”. Nhưng cậu vẫn hoàn thành xuất sắc bài thi và giành được Huy chương Vàng.

Bứt phá ra khỏi giới hạn, Phong bắt đầu mơ về việc được biểu diễn âm nhạc tại những sân khấu lớn quốc tế. 

Trở về, cậu bắt đầu tập luyện tích cực hơn. “Để theo được piano chuyên nghiệp, sự kiên trì và tính liên tục là điều cần thiết. Nhiều khi em luyện tập hăng say đến mức chảy cả máu tay, nhưng đó là đều hết sức bình thường”, Phong nói.

Nghiêm túc theo con đường âm nhạc

Giữa năm lớp 11, Phong bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc lựa chọn con đường đi tương lai. 

“Bố mẹ mong em có công việc ổn định và định hướng phát triển rõ ràng trong các lĩnh vực như kinh tế, tài chính… Nhưng 13 năm gắn bó với cây đàn, em lại muốn theo đuổi một ngành học nào đó gắn với âm nhạc”.

Cậu lựa chọn đăng ký vào Học viện âm nhạc Berklee, ngôi trường nằm ở thành phố Boston của Mỹ - nơi có nền âm nhạc rất phát triển.

Giống như bất kỳ trường học nào của Mỹ, khi ứng tuyển, thí sinh phải đáp ứng một loạt các yêu cầu khắt khe như thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, bài luận… để thể hiện sự phù hợp với ngôi trường và sự xuất sắc của bản thân.

Dù không có quá nhiều giải thưởng về piano, nhưng Phong lại chứng minh được mối quan tâm và sự gắn bó của mình với âm nhạc.

Năm 2022, Phong từng là Trưởng ban tổ chức của The Euphony Project, một dự án âm nhạc kết nối giới trẻ. Show diễn với quy mô hơn 200 người, giúp thu về hơn 23 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được nhóm của Phong ủng hộ vào quỹ Cơm trưa cho bé nhằm giúp các em nhỏ tại xã vùng cao Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) có bữa ăn trọn vẹn khi đến trường.

Ngoài ra, Phong còn là Trưởng bộ phận chuyên môn về nhạc cụ của dự án âm nhạc The Music Potion. Đây là dự án nhằm kết nối các thế hệ thông qua âm nhạc. Tại đây, các ca sĩ sẽ biểu diễn những bản tình ca bất hủ của thập niên 1090, bằng sức trẻ, sự sáng tạo và tư duy âm nhạc độc đáo. 

Thông qua âm nhạc, Phong kỳ vọng đây sẽ là công cụ giúp rút ngắn khoảng cách thế hệ và truyền cảm hứng nghệ thuật cho các bạn trẻ có đam mê. 

Ngoài ra, trong bài luận gửi tới trường, Phong cũng nhắc về niềm đam mê với âm nhạc và cách âm nhạc đã làm thay đổi con người mình.

“Ví dụ như khi luyện bản Chopin Nocturne Op. 62, No. 2 In E Major, bản nhạc bắt đầu bằng âm điệu du dương, nhẹ nhàng. Nhưng khi tập bài này, em lại hay đánh quá nhanh, quá vội. Sau đó em đã học được cách phải bình tĩnh hơn. Hay giữa bản nhạc là sự ào ạt như sóng biển, em cũng phải học cách kiểm soát, tiết chế qua những nốt nhạc… Em nghĩ, bài luận này đã khiến hội đồng tuyển sinh nhìn nhận sâu sắc hơn về con người em”.

Ngoài piano, Phong biết chơi guitar và sáo.

Ở Berklee, ngoài các yếu tố như thành tích học tập, ngoại khóa… ứng viên còn phải tham gia phỏng vấn biểu diễn trực tiếp trước hội đồng. Đây được coi là phần quan trọng không kém trong quá trình tuyển sinh.

Phong cũng phải thực hiện một bản piano tự chọn đã chuẩn bị từ trước, sau đó biểu diễn khả năng ngẫu hứng trên nền nhạc blues hay biểu diễn khúc biến tấu tức thì với một bài jazz tiêu chuẩn... 

Ngoài ra, cậu cũng phải thực hiện bài kiểm tra thị tấu; trả lời về quan điểm và con đường họat động âm nhạc mong muốn trong tương lai.

“Hội đồng tuyển sinh đều là các giảng viên và cũng là những nghệ sĩ lớn. Tuy nhiên, bầu không khí không hề căng thẳng mà khá thoải mái, giống như một buổi trò chuyện với nhau bằng âm nhạc”, Phong nói.

Phong thái tự tin, khả năng ứng biến linh hoạt của Phong sau đó đã thuyết phục được các thầy cô trong hội đồng và nhận về những đánh giá tích cực.

Theo cô Hoàng Hương Lan, giảng viên Piano Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, người đã đồng hành với Phong kể từ năm lớp 3, Phong vốn là một cậu bé khá nhút nhát. Dù ở thời điểm đó, Phong đã học qua piano cơ bản nhưng chưa từng tham gia thi hay biểu diễn ở trên sân khấu lần nào. 

Tuy nhiên sau đó, Phong đã vượt qua 8 cấp độ của ABRSM và chương trình thi ABRSM với mức đánh giá giỏi và xuất sắc. 

“Phong chơi đàn rất lãng tử, luôn biết cách biểu diễn tác phẩm với dấu ấn cá nhân và chạm được đến cảm xúc người nghe. Đó thực sự là điểm mạnh để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp.

Berklee sẽ là cái nôi giúp Phong phát triển khả năng của mình để trở thành một nghệ sĩ, một người làm nhạc thành công”, cô Hoàng Hương Lan nói.

Phong cho biết, cậu dự định sẽ theo đuổi ngành Kinh doanh âm nhạc tại Học viện âm nhạc Berklee.

“Ngành âm nhạc của Việt Nam hiện đang còn lạc hậu hơn so với thế giới. Em hy vọng những điều mình học được khi mang về Việt Nam sẽ phần nào giúp ích cho ngành âm nhạc nước nhà”, Phong nói. 

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới