Chiều 17/8, liên quan đến việc đề nghị phạt 4 công ty lữ hành tại TP.HCM trong vụ 100 người Việt bị mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, thông tin tại họp báo định kỳ TP.HCM, ông Nguyễn Minh Lý, Chánh Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM cho hay, xử phạt 4 doanh nghiệp này vượt thẩm quyền của Thanh tra Sở Du lịch nên Sở đã chuyển đến UBND TP.HCM.
Sau đó, UBND TP.HCM đã gửi văn bản đến Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Bộ Tư pháp để có quyết định cụ thể với 4 đơn vị này.
“Một số hành vi nếu xử phạt sẽ ảnh hưởng đến xã hội, đời sống con người và nhân viên… nên UBND TP.HCM cân nhắc và đã có văn bản gửi đến 2 Bộ trên”, ông Lý nói.
Ông Nguyễn Minh Lý, Chánh Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân)
Trước đó, ngày 8/12/2022, Sở Du lịch TP.HCM báo cáo UBND TP.HCM về thông tin 100 người Việt mất liên lạc ở Hàn Quốc.
Sau khi kiểm tra, xác minh sự việc và làm việc với một số doanh nghiệp lữ hành có liên quan, Sở Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra Sở Du lịch nhanh chóng kiểm tra, xác minh vụ việc và được biết 100 du khách này đi thông qua nhiều công ty du lịch khác nhau.
Các công ty lữ hành này đều ký hợp đồng vận chuyển với 1 hãng hàng không là Công ty Cổ phần Kovic Việt Nam - GSA Fly Gangwon Airlines (trụ sở tại Hà Nội), là đơn vị duy nhất được tổ chức chuyến bay đưa khách đến đảo Yangyang, tỉnh Gangwon.
Trong 100 du khách bị mất liên lạc có 32 khách của các công ty lữ hành trên địa bàn TP.HCM bao gồm: 23 khách của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Top Ten; 3 khách của Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam; 3 khách của Công ty Cổ phần Du lịch Top Asian; 3 khách của Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn.
Thanh tra Sở Du lịch đã mời người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp lữ hành này lên để làm việc, thu giữ các hồ sơ liên quan.
Sân bay Quốc tế Yangyang, Hàn Quốc.
Sau quá trình kiểm tra, xác minh, Thanh tra Sở đã xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với 4 doanh nghiệp nêu trên về các hành vi vi phạm: Không có hợp đồng lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định (khung hình phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng); Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật (khung hình phạt từ 80 triệu đến 90 triệu đồng).
Đồng thời, Sở Du lịch cũng đề nghị UBND TP áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, với hình thức bổ sung: “Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng" đối với các công ty trên.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, từ kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý sự việc nêu trên, Sở nhận thấy việc xử lý nghiêm vấn đề này cần khẩn trương để tránh những hậu quả phát sinh.
Do đó, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp Công an thành phố, Bộ Công an để xử lý các doanh nghiệp lữ hành vi phạm, điều tra, triệt phá đường dây có dấu hiệu có tổ chức để hạn chế và ngăn chặn tình trạng khách đi du lịch nước ngoài rồi trốn lại làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế và ảnh hưởng mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam.
Đồng thời, Sở Du lịch kiến nghị UBND TP.HCM phát hành văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành trên địa bàn thành phố nhắc nhở về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất nhập cảnh và quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố.